Theo VASEP, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD, giảm 17,7% so năm 2018; với EVFTA, kim ngạch này dự kiến có thể tăng từ 4 - 6% trong năm 2020 này.
Ảnh minh họa (Thanh Ngân)
Theo chia sẻ của người nuôi tôm tại ĐBSCL, trước đây tôm chủ yếu bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc, với giá cả đầu ra liên tục biến động, nay thị trường tiêu thụ được mở rộng sang EU, người nuôi rất phấn khởi. Anh Lê Văn Bột, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, với giá tôm xuất khẩu sang EU cao hơn, lợi nhuận của người nuôi từ đó cũng tăng lên. Bởi, theo lộ trình giá tôm xuất khẩu vào EU sẽ là 0% thay vì là 4,2 hay 7% như hiện nay; lợi thế rõ rệt với tôm sú, TTCT đông lạnh xuất khẩu khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, TTCT đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%; đây chính là cơ hội rất tốt cho sản phẩm tôm Việt tăng sức cạnh tranh vào thị trường rất tiềm năng này. Đại diện Tập đoàn Việt Úc cho hay, Việt - Úc rất tự tin khi xuất khẩu vào EU với những sản phẩm xứng tầm, đáp ứng được yêu cầu, giá trị cao hơn.