Gia tăng tín dụng cho ngành lâm, thủy sản

Thứ sáu, 19/04/2024 - 08:26 AM      239

(TSVN) – Lâm sản, thủy sản là một trong những lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp luôn nhận được sự ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp tín dụng, thể hiện ở gói hỗ trợ 15.000 tỷ đã được các hệ thông ngân hàng triển khai rất tích cực và hiệu quả trong thời gian qua. Và để hai ngành hàng này tiếp tục giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách ưu đãi cũng như mở rộng quy mô tín dụng trong thời gian tới.

 

Cú huých quan trọng

Thông tin tại Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại TP Hải Phòng mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều kết quả khả quan với trên 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến cuối tháng 12/2023, quy mô tín dụng đối với lĩnh vực này đã lên đến 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 11,56% so với 2022. Trong đó, dư nợ cho vay ngành thủy sản đạt 236.624 tỷ đồng, tăng 12,26%; ngành lâm sản đạt 204.813 tỷ đồng, tăng trên 35%. Đặc biệt, vừa qua, gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng triển khai thành công. Dù thời gian triển khai theo kế hoạch là đến hết 30/6/2024 nhưng đến cuối tháng 1/2024, 13 ngân hàng thương mại tham gia chương trình đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho gần 6.000 lượt khách hàng vay vốn.

Toàn ảnh Hội thảo. Ảnh: NH

Việc triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được coi là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc giúp 2 ngành hàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vị trí nằm trong top 6 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD và đang trên đà phục hồi trong những tháng đầu năm 2024

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỷ đồng, đạt 58,3% tổng doanh số cam kết cho vay chương trình (theo quy mô 30.000 tỷ đồng) với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, doanh số cho vay đối với ngành hàng thủy sản đạt trên 13.000 tỷ đồng với trên 5.000 lượt khách hàng vay vốn; đối với ngành hàng lâm sản đạt trên 4.450 tỷ đồng với trên 1.460 lượt khách hàng vay vốn. Việc giải ngân cho vay tập trung phần lớn vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp, chiếm gần 83% tổng doanh số cho vay.

Là một trong 6.000 lượt khách hàng được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi, ông Lê Quý Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty XNK Thủy sản Thanh Hóa chia sẻ, trong 4 năm qua doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như hứng chịu tác động của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị dẫn đến thị trường biến động. Hai thị trường xuất khẩu chính của Công ty là Mỹ và EU đều gặp biến động lớn về suy thoái kinh tế đã khiến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao, công tác sản xuất và bán hàng gặp phải rất nhiều khó khăn. Hiện tại, nguồn vốn doanh nghiệp đặc biệt là vốn lưu động phụ thuộc rất lớn vào vốn tín dụng của các ngân hàng. Vì vậy, tác động của chính sách về tín dụng đối với Công ty có ảnh hưởng rất lớn. Doanh nghiệp thật sự may mắn khi được Nhà nước quan tâm, nhờ vậy mà Công ty có thể duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên, liên tục. Dưới góc độ doanh nghiệp, thời gian tới mong rằng các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục, linh hoạt cho vay tùy từng thời điểm, tránh tình trạng lúc doanh nghiệp cần vay ít, ngân hàng lại cho hạn mức nhiều, tiền dư doanh nghiệp không biết làm gì. Ngược lại, lúc doanh nghiệp cần vay nhiều thì ngân hàng lại cho vay hạn mức thấp, doanh nghiệp không đủ tiền mua nguyên liệu, nông dân bán hàng qua thương lái rất dễ bị ép giá.

Gói hỗ trợ tín dụng được mở rộng sẽ giúp các doanh nghiệp thủy sản phần nào bớt khó khăn. Ảnh: Agribank

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP khẳng định, những quyết sách kịp thời của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ rất lớn cho các nhóm ngành lâm, thủy sản. Lạm phát toàn cầu cùng với nhu cầu tiêu thụ ở nhiều nước sụt giảm khiến xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều. Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng ở mức cao đã tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp trong ngành. Trên cơ sở đề xuất của VASEP, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, trong đó thủy sản chiếm tới 74%. Đến nay, gói tín dụng này đã thực sự là cú huých cho các doanh nghiệp trong ngành phục hồi và phát triển.

Gia tăng hỗ trợ

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho lâm, thủy sản là gói tín dụng Ngân hàng Nhà nước đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ rất ủng hộ. Nếu hết 30.000 tỷ đồng, đơn vị sẵn sàng đề suất 45.000 tỷ đồng thậm chí 50.000 tỷ đồng. Đây là chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay. Thế mạnh của chúng ta là một đất nước nông nghiệp, thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa, phải phát huy thế mạnh, tăng cường tính cạnh tranh trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, để triển khai hiệu quả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này, cần quán triệt tới tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tham gia chương trình. Bởi lẽ, trên thực tế khi triển khai gói 15.000 tỷ đồng, tại một số phòng giao dịch, nhân viên không biết đến gói tín dụng này. Cùng với đó, các ngân hàng cần xem xét để linh hoạt hơn về thủ tục, hồ sơ, điều kiện tiếp cận vốn; đồng thời, xem xét nâng mức cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lên 50% trong tổng gói vay cho ngành thủy sản, thay vì chỉ khoảng 25 – 27% của 12.000 tỷ đồng trong gói tín dụng 15.000 tỷ đồng. Khi tăng đầu tư cho doanh nghiệp xuất khẩu sẽ kích cầu, kéo các khâu nguyên liệu lên, tức người nông dân, ngư dân chăn nuôi, đánh bắt thủy sản sẽ được hưởng lợi.

Còn đại diện Agribank kiến nghị, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương; nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu… Đồng thời, tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý. Cùng đó, các sở, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với ngành ngân hàng trong việc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt nhu cầu khách hàng, những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp được kịp thời.

 

Là ngân hàng tích cực triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản, trước chỉ đạo nâng quy mô cho vay lên 30.000 tỷ đồng, Agribank đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước và dự kiến tăng quy mô giải ngân theo chương trình cho vay lâm sản, thủy sản lên 8.000 tỷ đồng. Đến nay, doanh số cho vay triển khai từ đầu chương trình đã đạt gần 5.500 tỷ đồng, dư nợ đạt gần 5.000 tỷ đồng với hơn 3,3 nghìn lượt khách hàng vay vốn.

Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn
Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Các nhà máy vẫn cần nguồn tôm nguyên liệu
Thứ năm, 23/04/2020 - 03:43 PM
963
Nuôi tôm không kháng sinh ở Khánh Hòa
Thứ ba, 21/04/2020 - 03:05 PM
961
Bắc Giang: Hiệu quả nuôi cá VietGAP
Thứ ba, 24/03/2020 - 03:35 PM
863
Tin xem nhiều
Mỹ : Nhập khẩu tôm  nửa đầu năm giảm nhẹ
Thứ tư, 14/08/2024 - 08:09 AM
47