Kịch bản nào cho ngành thức ăn thủy sản toàn cầu 2024

Thứ hai, 27/05/2024 - 08:20 AM      217

 

(TSVN) – Bức tranh của ngành thức ăn thủy sản đầu năm 2024 mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng còn khó khăn. Tình hình này dự kiến kéo dài đến hết 6 tháng đầu năm 2024 mới hy vọng có biến chuyển.

Giá cả có thể tiếp tục tăng cao

Theo Báo cáo Triển vọng Protein động vật toàn cầu năm 2023 của Rabobank, giá ngũ cốc và hạt có dầu trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 5/2020 – 5/2022. Theo TS Enrico Bachis, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường tại Tổ chức dầu cá, bột cá thế giới (IFFO): “Dựa trên các mô hình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng xu hướng thức ăn NTTS phản ánh sự biến động về chính trị, thị trường và môi trường. Trong giai đoạn 2022 – 2023, các vấn đề địa chính trị, giá năng lượng tăng và nguồn nguyên liệu thô hạn chế đã khiến giá thức ăn NTTS tăng 30%. Điều này cho thấy giá của các mặt hàng chủ chốt có thể sẽ tăng hơn nữa trong năm 2024”.

Rabobank cũng chỉ ra một số thách thức đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thức ăn NTTS, tập trung vào tác động của thời tiết và sản lượng đánh bắt. Theo dữ liệu của IFFO, có tới 20% sản lượng bột cá và dầu cá trên thế giới đến từ Peru. Việc bình thường hóa giá bột cá phụ thuộc vào sản lượng đánh bắt. Nhưng chưa có gì là chắc chắn cho các mùa khai thác cá cơm sắp tới tại nước này.

Giám đốc điều hành của STIM Carl-Erik Arnesen bày tỏ: “Giá thức ăn thủy sản sẽ bị ảnh hưởng bởi sự biến động về giá của các nguyên liệu thô. Sự sẵn có của nguồn nguyên liệu thức ăn thực vật tại châu Âu chịu tác động từ tình trạng hạn hán ở nhiều khu vực. Hậu quả của điều này có thể sẽ được nhìn thấy trong 2 đến 3 quý đầu năm 2024”.

Ông Arnasen cũng nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có thể sẽ đẩy các nguyên liệu thô đã qua chế biến vào thị trường với tốc độ nhanh hơn, góp phần gây ra biến động về giá cả”.

“Xanh hóa” dinh dưỡng – xu thế tất yếu

Để đáp ứng mục tiêu sản lượng NTTS dự kiến vào năm 2025, thế giới sẽ cần khoảng 73,15 triệu tấn thức ăn (Boyd et al). Do đó nhiệm vụ cấp bách và quan trọng là phát triển thức ăn thủy sản bền vững dựa trên việc chọn lọc thành phần nguyên liệu. Thức ăn thủy sản bền vững cũng cần tính đến các khía cạnh kinh tế và văn hóa xã hội, bên cạnh yếu tố dinh dưỡng và môi trường.

Khi nhu cầu về nguồn tài nguyên trên toàn thế giới tăng lên, ngành thức ăn thủy sản ngày càng nhận ra rằng việc đảm bảo nguồn cung ứng bền vững là điều cần thiết cho sự tồn tại lâu dài của ngành. Thách thức mà các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi phải đối mặt là giảm thiểu tác động môi trường từ thức ăn của họ trong khi vẫn duy trì được độ ngon miệng của thức ăn và các lợi ích sức khỏe.

Và nhiều nỗ lực hướng tới mục tiêu này đã được tiến hành. Tiến sĩ Brett Glencross, Giám đốc Kỹ thuật của IFFO, nhận xét: “Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã công bố các mục tiêu đầy tham vọng về việc giảm 30% tác động đến môi trường từ quá trình sản xuất, không chỉ bao gồm lượng khí thải carbon mà còn cả các hạng mục khác, chẳng hạn như tác động đến đa dạng sinh học, thay đổi cách sử dụng đất và nước. Mục tiêu tầm nhìn hướng đến năm 2025”.

Những nguồn thức ăn thủy sản mới

Vào tháng 8/2023, Đại học Stirling báo cáo rằng những thử nghiệm trực tiếp đầu tiên về việc sử dụng cây gai dầu để nuôi cá hồi ở Scotland đã thành công. Quỹ Đổi mới Hải sản Vương quốc Anh đã tài trợ hơn 260.000 bảng Anh cho giai đoạn tiếp theo của dự án, tập trung vào việc nghiên cứu cách bổ sung protein từ hạt cây gai dầu trong chế độ ăn của cá hồi.

Tháng 2/2023, một nghiên cứu của công ty SalmoSim đã phát hiện ra rằng giun sáp được nuôi bằng chất thải nhựa có thể trở thành thức ăn cho cá hồi. Công ty cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm thêm để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Sự nổi lên của các loài côn trùng, đặc biệt là ấu trùng ruồi, như là một nguồn protein thay thế cho cá đang thu hút sự quan tâm. Vào tháng 12/2023, nhà máy sinh học Enorm, nhà máy sản xuất côn trùng lớn nhất Bắc Âu, được khai trương tại Đan Mạch. Nhà máy dự kiến sản xuất hơn 10.000 tấn bột côn trùng hàng năm và có thể được sử dụng thay thế bột cá.

Ông Michel van Spankeren, Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại công ty Protix chia sẻ: “Sử dụng côn trùng, đặc biệt là ruồi lính đen là một lựa chọn tương đối mới nhưng tự nhiên và hợp lý trong việc cung cấp nguồn protein và các chất dinh dưỡng bền vững. Điều này tạo ra một ảnh hưởng tích cực trong việc duy trì vị ngon và hiệu suất cao của thức ăn cho ngành thủy sản”.

Một dự án về các sản phẩm protein thực vật lên men chất lượng cao đang được triển khai và các doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản tin rằng đây sẽ là nguồn protein mới quan trọng. Ông Arnesen bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa các nguồn protein thay thế được nghiên cứu và phát triển vào năm 2024.

Bà Louise Buttle, Giám đốc khách hàng toàn cầu tại Dsm-firmenich, dự báo rằng, mặc dù triển vọng về các nguồn protein trong thức ăn NTTS là tích cực nhưng có thể phải mất một khoảng thời gian để các nguồn protein thay thế này tạo được dấu ấn. Hiện nay, bột côn trùng đang là “ngôi sao sáng” thu hút đầu tư, với nhiều lựa chọn trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang trong quá trình triển khai thực tế và tích lũy kinh nghiệm trước khi các sản phẩm này được đưa vào sử dụng rộng rãi và mang tính ổn định.

Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Tags:
Ý kiến của bạn