Nắng nóng kéo dài và ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn, tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và một phần tỉnh Bạc Liêu, tình hình thả nuôi vẫn hết sức khó khăn do độ mặn trên hệ thống kênh rạch nội đồng đều tăng mạnh, nhất là tại tỉnh Cà Mau, nhiều nơi độ mặn lên đến 40 - 50‰. Anh Ngô Văn Nghiệp, Giám đốc quản trị Xí nghiệp nuôi tôm Xuân Phú của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta,cho biết: “Khu vực này thường xuyên thiếu nước trong tháng 5 và tháng 6, nên dù mật độ thả nuôi bình quân 200 con/m2 nhưng chúng tôi vẫn phải thu tỉa bớt. Hiện, mỗi ngày Xí nghiệp thu khoảng 40 - 50 tấn tôm cỡ 50 - 60 con/kg vì nếu không sẽ không đủ nước để duy trì mật độ thả nuôi”.
Ảnh minh họa
Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu như đầu tháng 5, giá TTCT loại 100 con/kg vẫn còn ở mức 89.000 - 100.000 đồng/kg; loại 70 con/kg giá 100.000 - 111.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 138.000 - 148.000 đồng/kg; loại 20 con/kg giá 214.000 - 224.000 đồng/kg, thì đến trung tuần tháng 5, giá TTCT tại hầu hết các cỡ bắt đầu có xu hướng giảm dần và đến những ngày cuối tháng 5 này, giá TTCT loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 82.000 - 86.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá phổ biến khoảng 101.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ 105.000 đồng/kg. Giá TTCT cỡ lớn sau thời gian đứng ở mức cao cũng quay đầu giảm; cụ thể, loại 30 con/kg hiện chỉ còn 126.000 - 132.000 đồng/kg, còn loại 20 con/kg cao nhất cũng chỉ đạt 205.000 đồng/kg, tức giảm khoảng 20.000 đồng/kg so tuần đầu tháng 5.
Mặc dù giá có giảm nhưng nếu nuôi năng suất cao thì vẫn đạt mức lợi nhuận khá. Theo các doanh nghiệp, với giá bán 105.000 đồng/kg đối với TTCT loại 70 con/kg như hiện tại, nếu nuôi đạt năng suất, người nuôi vẫn có lãi khoảng 30.000 đồng/kg. Riêng đối với TTCT cỡ lớn, dù giá giảm trên 20.000 đồng/kg, nhưng nếu nuôi đạt năng suất và hệ số FCR hợp lý, người nuôi vẫn có mức lãi 70 - 80%. Do đó, dù có đôi chút hụt hẫng về giá tôm, nhưng tiến độ thả giống tại hầu hết các vùng nuôi ở Sóc Trăng cũng như khu vực ĐBSCL đã tăng trở lại, bởi theo quy luật, giá tôm thường tăng trở lại từ tháng 10 khi các doanh nghiệp bước vào cao điểm thu mua, chế biến phục vụ các đơn hàng lễ, tết cuối năm đến tận đầu năm sau.
Chia sẻ của một doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại khu vực ĐBSCL cho thấy khả năng giá tôm sẽ được duy trì ở mức tốt ngay đầu quý III, sớm một tháng so với hai năm gần đây. Cơ sở cho nhận định trên là do: Tồn kho các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản không nhiều. Các cường quốc nuôi tôm như Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và thậm chí cả Thái Lan đều đang gặp khó khăn, nên theo dự đoán khả năng nguồn cung các nước này sẽ giảm ở mức từ 20% trở lên. Vì vậy, dù mức cầu có thể giảm, nhưng mức giảm vẫn thấp hơn so với nguồn cung, nên khả năng giá tôm tiếp tục duy trì ở mức tốt cho người nuôi.
Theo:thuysanvietnam.com.vn