Tăng trưởng khiêm tốn
Theo báo cáo của Rabobank, sản lượng nuôi tôm toàn cầu dự kiến tăng 2% vào năm 2025, trong đó, tốc độ tăng trưởng của ngành tôm châu Á và Mỹ Latinh đạt vừa phải. Dựa trên khảo sát mới nhất từ RaboResearch và Liên minh thủy sản toàn cầu, sản lượng tôm thế giới ước đạt 6,1 triệu tấn vào năm 2025, sau khi tăng 1% vào năm 2024 và 4% vào năm 2023. Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh, tình trạng dư cung sẽ dần cải thiện ở Mỹ Latinh vào năm 2025, trong khi tại châu Á, các nhà sản xuất vẫn giữ tâm lý lạc quan nhưng thận trọng, dẫn đến tốc độ tăng trưởng khiêm tốn ở cả hai khu vực.

Rabobank cũng dự báo sản lượng tôm châu Á tăng 2% vào năm 2025, ghi nhận sự cải thiện so với hai năm qua do giá cả tốt hơn và chi phí giảm sau giai đoạn lợi nhuận thấp. Riêng sản lượng tôm tại Trung Quốc dự kiến tăng 1,7%, đạt 1,2 triệu tấn, chủ yếu nhờ nâng cao hiệu suất từ các khoản đầu tư vào nuôi công nghiệp. Tại Ấn Độ, sản lượng ước tăng 2%, đạt 1 triệu tấn, sau khi giảm 3% vào năm 2024 nhờ các sáng kiến thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, sản lượng tại Ecuador dự kiến tăng 3-4% vào năm 2025, sau mức tăng 2% ước tính cho năm 2024, đạt 1,3 triệu tấn. Những con số này cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành tôm Ecuador đã chững lại so với các năm trước, khi sản lượng tăng trung bình 14% từ năm 2010 đến 2023, trước khi chậm lại còn 4% vào năm 2024. Theo các chuyên gia phân tích, quá trình hợp nhất ngành giữa các nhà sản xuất lớn cùng với những tiến bộ công nghệ sẽ tiếp tục nâng cao năng suất tôm Ecuador.
Một số chuyên gia cho rằng, sản lượng tôm sú sẽ là điểm sáng trong năm 2025, khi sự quan tâm đến loài tôm này ngày càng gia tăng nhờ những cải tiến di truyền và chi phí nuôi các loài thủy sản khác ngày càng cao. Theo Rabobank, sản lượng tôm sú toàn cầu dự kiến tăng 7% vào năm 2025, đạt 672.000 tấn, chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của Việt Nam và Ấn Độ.
Thách thức thị trường
Năm 2024 đánh dấu một năm đầy thách thức của thị trường tôm toàn cầu trước những biến động liên tục. Ecuador đối mặt với không ít khó khăn, xuất khẩu trong tháng 10 chạm đáy, chỉ đạt 190 triệu pound. Sự sụt giảm này phản ánh những xu hướng chung, gồm nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt, tâm lý mua hàng thận trọng từ các thị trường quan trọng như Trung Quốc và châu Âu, cũng như những chiến lược sáng tạo mà các nhà sản xuất tôm áp dụng để vượt qua giai đoạn biến động.
Willem van der Pijl, chuyên gia tại Shrimpinsight cho biết, người nuôi tôm trên toàn thế giới phải đối mặt với những nút thắt logistics, hạn chế thương mại và nhu cầu biến động khó lường. Tại thị trường Mỹ, thuế suất tăng cao cùng gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây ra những tác động dây chuyền, làm phức tạp dòng chảy xuất khẩu và dấy lên lo ngại về các biện pháp bảo hộ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nguồn cung tôm toàn cầu sụt giảm phần nào giúp giá tôm nguyên liệu ổn định hơn, góp phần giảm bớt tác động của nhu cầu suy yếu.
Các thị trường trọng điểm, đặc biệt Trung Quốc và châu Âu, ghi nhận tình trạng nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Các nhà nhập khẩu giảm mua, chờ đợi cơ hội thị trường cuối năm. Trong khi đó, tại Ấn Độ, mùa tôm đã kết thúc, nhưng giá nguyên liệu cao khiến nhiều người mua thận trọng. Các khách hàng lớn tại Mỹ tránh mua tôm số lượng lớn với giá cao vì vẫn còn hàng tồn kho giá rẻ hơn và kỳ vọng giá sẽ giảm trong thời gian tới. Chỉ số Platts Ecuador Shrimp Marker phản ánh giá tôm HOSO cỡ 30-40 con/kg, đạt 5.350 USD/tấn (FCA Guayaquil) vào ngày 13/1/2025, so với mức 4.800 USD/tấn (FCA) vào ngày 2/9/2024.
Trước thách thức từ thị trường, một số hãng sản xuất tôm đã ứng phó bằng những cách sáng tạo như chiến lược bán hàng linh hoạt. Cụ thể, nhiều nhà xuất khẩu đã vận chuyển tôm mà không có thỏa thuận bán trước, giúp họ điều chỉnh giá hoặc kế hoạch dự trữ dựa trên điều kiện thị trường thực tế khi hàng đến nơi. Mặc dù sự thích ứng này mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng cũng tạo ra những thách thức, bao gồm biên lợi nhuận bị thu hẹp đối với người mua và sự cạnh tranh gia tăng trong các thị trường nhập khẩu trọng điểm.
Tuy nhiên, khách hàng tại các thị trường lớn như Mỹ vẫn do dự trước việc đặt mua số lượng lớn với mức giá cao. Tổng khối lượng tiêu thụ vẫn chưa đạt kỳ vọng, khiến triển vọng thị trường trong quý đầu tiên của năm 2025 còn nhiều bấp bênh.
Cơ hội cho châu Á
Ngành tôm châu Á tiếp tục đối mặt với sự bất ổn về giá cả trong khi tỷ lệ sống trung bình còn thấp do dịch bệnh. Theo Rabobank, châu Á cần đầu tư vào năng suất và nâng tỷ lệ sống từ mức trung bình 55% lên 80%, can thiệp y tế và công nghệ cho ăn chính xác. Cắt giảm chi phí chỉ là giải pháp tạm thời và không tạo ra giá trị bền vững trong dài hạn, Willem cho biết.
Các trang trại châu Á đã thu thập một lượng lớn dữ liệu từ những vụ mùa thất bại và các đợt bùng phát dịch bệnh, nhưng vẫn chưa tận dụng chúng bằng phân tích dữ liệu lớn. Đã đến lúc xác định các yếu tố kích hoạt để dự báo sớm tình trạng dịch bệnh. Các nhà máy chế biến cần đóng vai trò trụ cột bằng cách liên tục thu mua tôm từ nông dân, cấp đông và lưu trữ. Điều này giúp giảm thiểu biến động giá trên thị trường quốc tế, mang lại sự ổn định cho người nuôi, khuyến khích họ sản xuất quanh năm, từ đó cải thiện khả năng dự báo nguồn cung của mỗi quốc gia.
Châu Á cũng cần tận dụng lợi thế về khoảng cách, không chỉ hướng đến Trung Quốc mà còn toàn bộ khu vực như những thị trường thay thế tiềm năng. 2025 sẽ đánh dấu một năm áp dụng thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) của Mỹ đối với tôm nhập khẩu. Liệu Trung Quốc tận dụng các quốc gia Đông Nam Á làm cơ sở sản xuất nhằm mục đích “thay đổi xuất xứ “ có mang lại lợi ích cho ngành hay không? Câu trả lời vẫn chưa rõ ràng, nhưng điều này có khả năng làm thay đổi thứ hạng của các quốc gia xuất khẩu hàng đầu.
Nhìn về tương lai, ngành tôm đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Lượng tồn kho ở trang trại thấp cùng với nguồn cung toàn cầu giảm giúp duy trì phần nào ổn định giá, nhưng triển vọng sắp tới sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nhu cầu. Các nhà sản xuất sẽ tiếp tục điều chỉnh chiến lược, cân đối chi phí và thích ứng với thị hiếu người mua đang thay đổi. Sự kiên cường và linh hoạt vẫn là yếu tố then chốt để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội trong năm 2025.
Dẫn nguồn: Thuysanvietnam.com.vn