Châu Âu: Áp dụng điều kiện bền vững đối với thủy sản nhập khẩu miễn thuế Châu Âu

Thứ hai, 05/05/2025 - 07:41 AM      53

(TSVN) – Ủy ban châu Âu đang cân nhắc bổ sung các quy định về tiêu chí bền vững vào hệ thống hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ) nhằm cải cách chế độ miễn thuế, phù hợp với các mục tiêu về môi trường, xã hội và tạo sân chơi công bằng trên thị trường EU.

Theo Hội nghề cá châu Âu (Europêche), chính sách Hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ) cho phép nhập khẩu một lượng sản phẩm nhất định vào EU với mức thuế thấp hoặc miễn thuế. Đối với hầu hết sản phẩm thủy sản, mức thuế trong hạn ngạch là 0%. Hệ thống ATQ giúp giảm đáng kể chi phí nguyên liệu thô cho ngành chế biến thủy sản châu Âu, trong khi thuế quan có thể lên tới 25%.

Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu đã khẳng định: quyền tiếp cận miễn thuế áp dụng theo nguyên tắc “ai đến trước được phục vụ trước” đối với một số lượng nhất định sản phẩm thủy sản, mà không kèm theo điều kiện về tính bền vững. Điều này đặt ra các vấn đề liên quan đến bảo tồn và quản lý nguồn cá, cũng như các vấn đề xã hội, thương mại và tính cạnh tranh của ngành thủy sản châu Âu.

Do đó, Ủy ban đang xem xét các điều chỉnh để đảm bảo tính bền vững của sản phẩm thủy sản nhập khẩu trong khuôn khổ ATQ. Mặc dù các chính sách miễn thuế có thể hỗ trợ ngành chế biến của EU, nhưng không được phép làm giảm tính cạnh tranh công bằng hay các thực hành bền vững. Hiện tại, chế độ ATQ cho phép nhập khẩu hơn 900.000 tấn thủy sản hàng năm mà không yêu cầu các tiêu chuẩn môi trường và lao động như đối với ngư dân châu Âu.

Ông Daniel Voces, Chủ tịch Europêche, nhận định: “EU không thể chỉ nói về sự bền vững trong khu vực mà lại bỏ qua các sản phẩm nhập khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn tương tự, đặc biệt khi những sản phẩm này được miễn thuế quan. Đã đến lúc phải khắc phục lỗ hổng này và yêu cầu sự bền vững trở thành điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan”.

Trong bối cảnh căng thẳng thuế quan toàn cầu, EU cần sử dụng chiến lược các công cụ thương mại như ATQ, để cấp lợi ích thuế quan có mục đích và củng cố ảnh hưởng địa chính trị, thay vì chỉ cấp cho các quốc gia đầu tiên theo nguyên tắc ‘đến trước, được trước’. Ngành cá ngừ là một ví dụ điển hình của vấn đề này. Ông Xavier Leduc, Chủ tịch Hội cá ngừ, thuộc Europêche, đã chỉ ra một trong những lỗ hổng đó và dẫn chứng: mỗi năm, EU cho phép nhập khẩu 35.000 tấn phi lê cá ngừ miễn thuế, chủ yếu từ các nước châu Á, khiến giá cả bất ổn và trực tiếp làm suy yếu sức cạnh tranh của các đội tàu châu Âu.

Europêche đề xuất 5 ưu tiên cải cách hệ thống ATQ:

Áp dụng tiêu chí bền vững bắt buộc: Miễn thuế chỉ dành cho sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về quản lý nghề cá, quyền lao động và bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo sân chơi công bằng giữa sản xuất trong EU và hàng nhập khẩu.

Loại trừ các quốc gia vi phạm IUU: Không cấp ưu đãi thuế cho sản phẩm từ nước liên quan đến khai thác bất hợp pháp (IUU) hoặc vi phạm nghiêm trọng về lao động.

Hỗ trợ sản xuất nội khối: Hệ thống ATQ phải thực sự đáp ứng nhu cầu chế biến trong EU mà không ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt nội địa hay việc làm.

Đảm bảo tương hỗ và công bằng: Quyền tiếp cận thị trường ưu đãi phải đi kèm cơ hội đánh bắt tương xứng và đối xử công bằng với đội tàu EU, nhất là với các nước như Na Uy.

Phù hợp với giá trị EU: ATQ phải đồng bộ với các chính sách chung như quy định mới về kiểm soát nghề cá, thẩm định trách nhiệm doanh nghiệp, và lệnh trừng phạt thương mại (ví dụ với thủy sản Nga).

Ông Daniel Voces nhấn mạnh: ” Ủy ban châu Âu có cơ hội và trách nhiệm xây dựng một hệ thống hỗ trợ nghề cá bền vững, thương mại công bằng và chủ quyền lương thực lâu dài.” Ông cũng cảnh báo: “EU đang miễn thuế cho sản phẩm từ những quốc gia có nghề cá “mờ ám” như Trung Quốc, chỉ để hạ giá cho nhà nhập khẩu, mà thiếu cơ sở hợp lý. Thực trạng này cần phải chấm dứt.”

Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Tags:
Ý kiến của bạn