Gồng gánh “3 tại chỗ”
Theo khảo sát của VASEP tính tới cuối tháng 8/2021, tình hình doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam như sau: 30-40% doanh nghiệp hoạt động được “3 tại chỗ”, 30-40% doanh nghiệp không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”.
Với những nhà máy thực hiện được phương án “3 tại chỗ” thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.
Do nhiều địa phương thực hiện giãn cách quá lâu, công nhân, người lao động làm việc “3 tại chỗ” đã bắt đầu mệt mỏi và mong được về nhà, do đó các doanh nghiệp rất khó khăn nếu muốn tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”. Ngoài ra, việc thực hiện 3 tại chỗ đã phát sinh rất nhiều chi phí trong khi công suất sản xuất giảm, do đó các doanh nghiệp không thể tiếp tục trụ lâu thêm nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Gồng gánh 3 tại chỗ, phần lớn doanh nghiệp thủy sản đã kiệt sức. Ảnh: BringingItHomeLM.
Chỉ 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực sản xuất ngay sau giãn cách
Các doanh nghiệp thủy sản tổ chức được “3 tại chỗ” cố gắng duy trì lực lượng lao động chủ chốt để tiếp tục sản xuất và vận hành nhà máy, số công nhân còn lại tạm thời cho nghỉ việc và doanh nghiệp trả lương cơ bản. Những doanh nghiệp khác ngừng hoạt động cho nhân viên nghỉ nhưng vẫn cố gắng duy trì lương cho các công nhân, nhân viên nhằm giữ chân người lao động. Riêng tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng,… một số ít doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì số lượng công nhân, thực hiện chia ca, phân luồng để vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo phòng, chống dịch tại nhà máy.
Theo kết quả khảo sát, chỉ có 30 – 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như:
- Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển
- Doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng.
- Khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid…
Ngoài ra, chủ trương của nhiều tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 cùng với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch, do đó khả năng hồi phục sản xuất rất khó, việc hạn chế đi lại, chậm vận chuyển giao nhận hàng hóa – nguyên vật liệu cho chế biến và xuất nhập khẩu.
Cước phí vận chuyển của các hãng tàu hiện nay vẫn rất cao tăng từ 2-3 đến 10 lần và chưa có sự điều chỉnh phù hợp, thêm vào đó việc book container, book tàu cũng gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp hoàn toàn thụ động về thời gian và cước tàu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch vận chuyển và giá thành sản phẩm thủy sản, làm ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp và sự cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.
Theo Tạ Hà (2021), Chỉ 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản có khả năng hồi phục lại sản xuất ngay sau giãn cách, VASEP, Tiêu điểm, 6/9/2021.