Hiện diện tích nuôi cá tra của Tiền Giang chủ yếu nằm ven sông Tiền. Do vậy, việc bị mặn xâm nhập là điều khó tránh khỏi.
Không riêng gì Tiền Giang, các tỉnh, thành ở khu vực cuối nguồn sông Tiền, sông Hậu có nuôi cá tra ven sông cũng bị ảnh hưởng. Các hộ nuôi cá tra ở Bến Tre cũng đang bị thiệt hại nặng nề vì nhiễm mặn. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy cá chết nổi lềnh bềnh ở nhiều đìa nuôi cá tra, nhiều trong số đó đã đến cân nặng thu hoạch (800 gram đến hơn một kg). Một công ty ở Bến Tre cho biết đang nuôi 4 đìa cá tra ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết mỗi ngày một đìa có khoảng 400 con bị chết, có hôm còn lên đến 600 con. Được biết một đìa công ty nuôi hơn 400.000 con.
Cá tra chết nổi trắng đìa.
Ngay cả những vùng nuôi chuyên canh với sự đầu tư bài bản về hệ thống thuỷ lợi của các doanh nghiệp cũng không tránh khỏi thiệt hại. Các doanh nghiệp cho biết diễn biến của hạn mặn vượt ngoài sự tiên lượng.
Theo ghi nhận hiện độ mặn trên các sông ở Đồng bằng sông Cửu Long ở ngưỡng rất cao. Nhiều nơi đã vượt ngưỡng 10gram/lít. Điều này cũng khiến người dân e ngại khi thả nuôi mới. Ngoài vấn đề giá cả thì xâm nhập mặn cũng là lý do tình trạng treo ao ngày càng nhiều ở những vùng chuyên nuôi cá tra.
Ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng khuyến cáo, tình hình xâm nhập mặn tại nhiều nơi đã làm cho môi trường nước không thể đảm bảo cho việc thả cá con cho vụ nuôi mới. Nhiều doanh nghiệp lo lắng, tình trạng hạn mặn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu chế biến và xuất khẩu cá tra trong năm nay.
Theo:tepbac.com