Diện tích thiệt hại tăng dần
Những ngày qua, dù đã có mưa trái mùa xuất hiện tại một số tỉnh, nhưng nhìn chung nắng nóng còn khá gay gắt và mặn vẫn xâm nhập sâu vào nội đồng khu vực ven biển ĐBSCL với nồng độ cao. Tình hình trên không chỉ làm chậm tiến độ thả nuôi vụ tôm nước lợ năm 2020, mà còn làm cho môi trường bị biến động mạnh, phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại không ít cho người dân.
Tại Bến Tre, ngay những ngày đầu tháng 2, do độ mặn và nhiệt độ tăng cao đã làm hàng trăm ha nghêu của các HTX Rạng Đông, Thạnh Lợi… bị thiệt hại với tỷ lệ từ 60 - 90%. Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX Thạnh Lợi cho biết: “Năm nay, nghêu chết rất bất thường, nhưng theo kinh nghiệm của HTX nguyên nhân chủ yếu có thể là do độ mặn quá cao (26 - 30‰) và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn. Hiện, các HTX nghêu trong tỉnh tập trung dọn dẹp làm sạch môi trường và hạn chế thả nuôi nên tình hình nghêu chết có phần giảm lại”. Không chỉ có con nghêu, nắng nóng và độ mặn cao còn làm cho nhiều diện tích nuôi thủy sản khác của Bến Tre bị thất thu. Ông Võ Văn Hiện, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú cho biết, hơn 3.800 ha diện tích thả giống tôm càng xanh từ giữa năm 2019 đến đầu năm 2020, đã có 1.400 ha bị thiệt hại, với tỷ lệ hơn 37,8%.
Tại Sóc Trăng, tuy nắng nóng và độ mặn cao chỉ làm thiệt hại khoảng 115 ha trong tổng số gần 7.000 ha tôm nước lợ đã thả nuôi, nhưng cũng tạo tâm lý bất an nơi người nuôi khiến tiến độ thả nuôi có phần chậm lại. Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên bộc bạch: “Năm nay, độ mặn lên quá cao và trời quá nóng, nên phần lớn người nuôi tôm chỉ thả nuôi cầm chừng. Tình hình này khiến cho lịch thả giống của địa phương có phần chậm hơn so với mọi năm”.
Không chỉ có Sóc Trăng hay Bến Tre, nhiều diện tích nuôi thủy sản của các tỉnh khác ở ĐBSCL cũng chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Tại Cà Mau, Kiên Giang, nhiều vùng nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến nằm sâu trong nội đồng không đủ điều kiện lưu thông nguồn nước khiến độ mặn trong vuông nuôi có nơi lên đến 30 - 40‰, làm nhiều diện tích tôm nuôi thiệt hại, chủ yếu do sốc môi trường và bệnh đốm trắng. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, phần lớn diện tích tôm nuôi thiệt hại là do sốc môi trường, một số do dịch bệnh và tập trung chủ yếu tại các vùng nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Còn tại Bạc Liêu, nếu nắng nóng và độ mặn tiếp tục tăng cao, theo dự kiến sẽ có khoảng 9.000 ha tôm nuôi có nguy cơ bị thiệt hại.
Hiện tại, diện tích thiệt hại do nắng nóng và độ mặn cao chưa phải là lớn do người nuôi chỉ thả cầm chừng, nhưng theo lãnh đạo các tỉnh, điều đáng lo ngại là giá tôm đang tăng trở lại sẽ kích thích nhiều hộ thả nuôi, trong khi thời tiết, môi trường vẫn chưa thật sự ổn định, rất dễ làm cho diện tích thiệt hại tăng nhanh trong thời gian tới. Ông Châu Công Bằng lo lắng: “Mấy ngày nay, giá tôm tại Cà Mau bắt đầu tăng trở lại. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng đáng lo, vì một khi người dân tập trung thả nuôi ồ ạt nhưng điều kiện nuôi vẫn chưa ổn định rất dễ phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại tôm nuôi, còn nếu trúng mùa, thu hoạch ồ ạt cũng chưa biết giá tôm sẽ ra sao”.
Người nuôi nóng lòng vì giá
Sau một thời gian giảm mạnh, hiện giá TTCT tại tỉnh Cà Mau đã tăng trở lại, người nuôi có lãi khá, nhất là tôm cỡ lớn. Nếu như tháng trước, TTCT nguyên liệu được thương lái thu mua loại 100 con/kg tại các huyện dao động 73.000 - 75.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 128.000 đồng/kg thì hiện nay tình hình đã khởi sắc hơn. Trong những ngày đầu tháng 4, giá TTCT được thương lái thu mua bắt đầu tăng nhẹ. Cụ thể, loại 15 con/kg giá 244.000 đồng/kg; loại 20 con/kg giá 202.000 đồng/kg; loại 25 con/kg giá 169.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 132.000 đồng/kg và loại 100 con/kg giá 90.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay thì người nuôi tôm sẽ có lãi khi thu hoạch, đặc biệt những ao nuôi cỡ lớn lãi sẽ cao.
Giá TTCT đã tăng trở lại. Ảnh minh họa
Theo ghi nhận của phóng viên, sau thời gian “sống chậm” chờ giá, hiện người nuôi đang rất nôn nóng thả giống vì giá tôm gần đây liên tục tăng lên. TTCT loại 30 con/kg kiểm kháng sinh và màu sắc đạt tại Sóc Trăng hiện đang có giá 138.000 - 148.000 đồng/kg, loại 100 con/kg thấp nhất cũng được 88.000 - 90.000 đồng/kg. Trong khi, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, phải đến 15/5 mùa mưa ở Nam bộ mới chính thức bắt đầu nên nắng nóng, mặn cao sẽ còn kéo dài đến hết tháng 4. Do đó, hầu hết ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực ven biển ĐBSCL đều khuyến cáo người nuôi nên thận trọng, chưa vội thả nuôi hết diện tích để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Theo Tổng cục Thủy sản, để chủ động ứng phó, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cần chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thủy văn, hạn hán và xâm nhập mặn; tăng cường quan trắc môi trường, thông tin kịp thời, hướng dẫn các giải pháp phòng ngừa. Về lâu dài, cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất, mùa vụ của từng địa phương phù hợp.
>> Chủ đại lý Hiền Như ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, hiện độ mặn cao nên chỉ có một số khách hàng nuôi theo mô hình CPF-Combine model của C.P mới dám thả nuôi, còn các mô hình khác hầu hết đều chờ độ mặn và nhiệt độ giảm xuống mới dám thả nuôi do lo sợ bệnh đốm trắng và gan tụy. |