Ấn Độ: Phát hiện dịch bệnh mới do virus trên cá chẽm châu Á

Thứ ba, 17/12/2019 - 08:16 PM      613

Khoa Quản lý thú y thủy sản (AAHM) thuộc Cao đẳng Thủy sản, Mangaluru, bang Karnataka vừa phát hiện dịch bệnh mới do virus gây ra trên cá chẽm châu Á. Đây là lần đầu tiên dịch bệnh này xuất hiện tại Ấn Độ.

 

Dịch bệnh do Iridovirus gây ra được phát hiện lần đầu tiên trên cá chẽm đỏ tại Nhật Bản vào thập niên 90. Tiến sĩ A Senthil Vel, Giáo sư tại Đại học khoa học chăn nuôi và thủy sản Mangaluru cho biết năm 2018 - 19, người nuôi cá vùng Udupi đã thông báo về tình trạng cá chẽm châu Á (Lates calcarifer) nuôi trong lồng bị chết hàng loạt. Dịch bệnh gây ra các hành vi bất thường ở cá kèm các dấu hiệu lâm sàng như bơi chậm, lờ đờ, mệt mỏi, ăn kém. 

Các nhà nghiên cứu bệnh học tại Cao đẳng Thủy sản, Mangaluru đã lấy mẫu cá để phân tích. Kết quả cho thấy, cá chẽm châu Á đã bị nhiễm RSIV. Hơn 30 loài cá biển và cá nước lợ như cá chẽm, cá mú, cá chẽm hồng đều dễ bị nhiễm loại virus này. Virus này có thể khiến tỷ lệ chết lên tới 100% tùy đối tượng nuôi, cỡ, tuổi, nhiệt độ nước và điều kiện nuôi. Các cơ quan bị virus RSIV tấn công gồm lá lách, thận, tim, ruột và mang. 

Theo A Senthil Vel, từ khi RSIV trở thành một virus gây bệnh mới tại Ấn Độ, các giải pháp quản lý đúng cách đã được tăng cường để giảm thiểu lây lan dịch bệnh. Cao đẳng Thủy sản, Mangaluru cũng tiến hành nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn; đồng thời xúc tiến quá trình chuẩn bị giải pháp ứng phó, ngăn chặn kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế do virus gây ra. 

Tiến sĩ A Senthil Vel cảnh báo, người nuôi cá cần phải áp dụng các giải pháp quản lý khoa học và đúng cách để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của RSIV. Cụ thể, cần sử dụng cá giống sạch bệnh, vệ sinh trang trại và tránh các phương pháp có thể làm giảm chất lượng nước như thả nuôi mật độ dày đặc hoặc cho cá ăn quá mức. 

Cao đẳng Thủy sản, Mangaluru cũng đang tiến hành các chương trình theo dõi dịch bệnh qua dự án “Giám sát quốc gia về dịch bệnh thủy sản” trên cá nước lợ và nước ngọt. Chương trình này được do Cục Quản lý nguồn gen thủy sản quốc gia ((NBFGR), Lucknow khởi xướng. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức về dịch bệnh thủy sản mới và phát triển các giải pháp ngăn chặn cho nông dân trong vùng nuôi. 
Theo:thuysanvietnam.com.vn

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Ngành tôm chạy nước rút trong mùa nuôi nghịch
Thứ hai, 16/09/2024 - 09:10 AM
147
Châu Á: Phục hưng ngành tôm
Thứ năm, 29/08/2024 - 04:30 PM
309
Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng
Thứ sáu, 26/07/2024 - 08:15 AM
313
Tin xem nhiều