Tháng 7/2019, lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, XK tôm của Việt Nam đạt tăng trưởng dương. Riêng tháng 7/2019, XK tôm đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Giá tôm nguyên liệu và giá tôm XK không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm và đã có chiều hướng tăng, nhu cầu thị trường đã sôi động hơn là một trong những yếu tố giúp XK tôm Việt Nam tăng trưởng tích cực trong tháng 7/2019.
Bảy tháng đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm XK của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 68,2%, tôm sú chiếm 21,6% và còn lại là tôm biển. XK tôm chân trắng đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái; XK tôm sú đạt gần 383,7 triệu USD, giảm 15%; XK tôm biển khác đạt 181 triệu USD, tăng 5%. XK tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 34%. XK tôm biển chế biến đóng hộp tăng mạnh nhất 57%.
Tháng 7/2019, XK tôm của Việt Nam sang top 8 thị trường NK chính (gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan) đều tăng trưởng dương. Đáng chú ý, XK tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay. XK sang Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tốt, đạt mức hai con số.
EU
Tháng 7/2019, XK tôm sang thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam là EU đạt trên 77 triệu USD, tăng 3,8% so với tháng 7/2018. Trong 3 thị trường NK chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Đức, Hà Lan), XK sang Anh và Đức tăng lần lượt 12,9% và 13% trong khi XK sang Hà Lan giảm 12,8%. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, XK tôm sang EU đạt 377,5 triệu USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU đã chính thức ký kết từ 30/6/2019, theo đó thuế NK hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) NK vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (từ năm 2020), tuy nhiên thuế NK tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Tôm Việt Nam XK sang EU chủ yếu là tôm chế biến, ít đối thủ cạnh tranh, chủ yếu chỉ có Thái Lan và Indonesia. Tôm chế biến có thuế suất cao nếu không có GSP (từ khoảng 10-20%), các đối thủ của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh về giá. Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng nên thị trường này đủ để các DN tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thuỷ sản vừa tầm cung ứng của mình.
EU chiếm khoảng 31% tổng NK tôm thế giới và chiếm 23% XK tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, XK tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, XK sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi.
Nhật Bản
XK tôm Việt Nam sang Nhật trong tháng 7/2019 tăng 2,2% đạt gần 56 triệu USD. XK tôm sang thị trường này mặc dù tăng không nhiều nhưng tăng trưởng liên tục trong 3 tháng 5,6 và 7 năm nay. Bảy tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt gần 329 triệu USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhật Bản vẫn duy trì là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay. Nhờ những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản, nên XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản nửa đầu năm nay không bị giảm sâu như các thị trường chính khác.
Mỹ và Trung Quốc
XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 7 năm nay tăng 37,2% đạt 77 triệu USD. 7 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 327,4 triệu USD, tăng 5%.
Nhu cầu NK tôm của Mỹ từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm NK từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh NK từ Trung Quốc.
XK tôm Việt Nam sang Mỹ đang kỳ vọng đạt mức thuế thấp nhất trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 công bố tới đây.
XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7/2019 tăng 47,7% đạt 51,6 triệu USD. 7 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt trên 285 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 7 năm nay, Trung Quốc tăng mạnh NK tôm từ Việt Nam do giảm NK từ các nguồn cung khác. Nguồn cung tôm lớn thứ hai cho Trung Quốc là Ấn Độ dự báo giảm sản lượng trong năm nay do thời tiết xấu và dịch bệnh. Argentina đứng thứ 4 về cung cấp tôm cho Trung Quốc cũng công bố giảm sản lượng khai thác tôm do sinh khối tôm tại ngư trường khai thác của nước này giảm.
Theo nguồn:tepbac.com