Nhằm góp phần gỡ thẻ vàng IUU, nhiều các tàu cá ở Bình Thuận đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Ảnh: VC.
Xuất khẩu sang EU sụt giảm
Ngày 10/8, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”.
Thủy sản là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỷ USD mỗi năm, trong đó thủy sản nuôi trồng đóng góp 60 - 65%, thủy sản khai thác chiếm 35 - 40% giá trị.
Là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển bền vững ngành thủy sản.
Tuy nhiên, với đặc thù nghề cá nhỏ lẻ, Việt Nam đang phải đối diện với một thách thức lớn liên quan đến cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) từ tháng 10/2017, do nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thẻ vàng IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Châu Âu sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So sánh kết quả xuất khẩu 2017 - 2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.
Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động bởi dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và việc Vương quốc Liên hiệp Anh, Bắc Ireland rời Liên minh Châu Âu (Brexit), xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.
Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam còn đứng trước nguy cơ mất thị trường EU trong trường hợp ngành khai thác hải sản bị EC phạt thẻ đỏ nếu không có các giải pháp và hành động quyết liệt để tuân thủ các quy định chống khai thác IUU.
Thẻ vàng IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Châu Âu sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Ảnh: KS.
Để có đánh giá chi tiết về các nguy cơ này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã phối hợp với các chuyên gia của Đại học Nha Trang và Đại học Kinh Doanh Copenhagen (Đan Mạch) hợp tác thực hiện Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”.
Báo cáo đã đánh giá về thực trạng sản xuất, tiêu thụ thủy sản Việt Nam; đề cập các quy định về chống khai thác IUU của các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, các nước khác và Việt Nam; phân tích dòng chảy thương mại thủy sản trong giai đoạn 2007 - 2019 để đánh giá tác động kinh tế của thẻ vàng IUU đối với Việt Nam và trên cơ sở đó đánh giá định lượng về tổn thất kinh tế, tác động ngắn hạn và trung hạn trong trường hợp bị phạt thẻ đỏ IUU.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các Quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng IUU, trong khi sản phẩm thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng gián tiếp.
Trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU.
Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU. Trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.
Các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp. Về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng.
Báo cáo cũng đánh giá về những thách thức mới đối với ngành thủy sản do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU lên tới 1,2 - 1,4 tỷ USD trong những năm tới là hoàn toàn khả thi.
Điều này cho thấy cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7 - 9% và đạt 16 - 18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, cũng như hỗ trợ nghề cá bền vững.
Không dung túng các trường hợp vi phạm
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao VASEP và Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ nghiên cứu và thông tin những kết quả ban đầu về tác động kinh tế của việc không tuân thủ chống khai thác IUU, đặc biệt là nghiên cứu đối với đặc thù nghề cá của Việt Nam.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị phải xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vì lợi ích cá nhân tiếp tay, dung túng, cố tình vi phạm các quy định về IUU. Ảnh: Phạm Hiếu.
Theo Thứ trưởng, từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19, phía EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế nên Bộ NN-PTNT đã thường xuyên cập nhật, báo cáo kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC gồm: Khung pháp lý; Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; Thực thi pháp luật.
“Phía EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị, nỗ lực và những tiến bộ của Việt Nam trong triển khai thực hiện gỡ thẻ vàng IUU. Đặc biệt là sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và ý thức trách nhiệm của bà con ngư dân về một nghề khai thác bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Qua đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị VASEP và các thành viên chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để chống khai thác IUU; kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vì lợi ích cá nhân tiếp tay, dung túng, cố tình vi phạm các quy định về IUU phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ để đầu tư nâng cấp hạ tầng khai thác thủy sản, để đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của EC… tại các địa phương.
“Cho đến nay, công tác xử phạt tàu vi phạm không tuân thủ quy định chống khai thác IUU theo Nghị định xử phạt mới đã có nhiều chuyển biến. Các địa phương đã vào cuộc quyết liệt và đồng đều hơn. Trong năm 2020, cả nước đã xử phạt 2.468 vụ tàu vi phạm với số tiền trên 61 tỷ đồng, nhiều hành vi đã bị xử phạt với khung cao nhất lên đến 1 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.