THỨC ĂN- TRỞ NGẠI CHO NGÀNH NUÔI BIỂN " CẤT CÁNH"

Thứ hai, 25/09/2023 - 10:52 AM      413

Thức ăn – trở ngại cho ngành nuôi biển “cất cánh”

(TSVN) – Việc sử dụng thức ăn công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển nuôi biển bền vững, góp phần giải quyết môi trường, dịch bệnh. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thức ăn phục vụ nuôi biển và kiểm soát nguyên liệu để sản xuất thức ăn đang là thách thức lớn.

Thức ăn góp phần quan trọng cho sự phát triển của các đối tượng nuôi trồng thủy sản trên biển. Thức ăn tươi sống có giá trị dinh dưỡng cao (giun nhiều tơ, động thực vật phù du) đảm bảo an toàn sinh học và sinh sản của đàn bố mẹ và sức khỏe của ấu trùng khi ra đời. Trong khi đó thức ăn công nghiệp cung cấp nguồn dinh dưỡng ở giai đoạn nuôi thương phẩm. Đại diện Viện Nghiên cứu NTTS III cho rằng, giải pháp cho việc nghiên cứu phát triển thức ăn phục vụ nuôi biển tập trung vào việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng, an toàn sinh học, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, đa dạng hóa nguyên liệu, cải tiến phương thức sử dụng nguyên liệu đảm bảo thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý là những hướng đi được Viện quan tâm. Cụ thể như: 

– Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi sinh khối một số đối tượng có
giá dinh dưỡng cao, đảm bảo an toàn sinh học làm thức ăn tươi sống phục vụ các
đối tượng nuôi biển. Nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển của các đối tượng nuôi biển. 

– Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn theo hướng sử dụng nguồn nguyên
liệu có sẵn tại địa phương, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.

– Nghiên cứu theo hướng chế tạo và phát triển bổ sung các hoạt chất sinh học và dưỡng chất thiết yếu, chất dẫn dụ, cải thiện tăng trưởng, giảm thiểu ô nhiễm
môi trường.

– Tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên sâu nghiên cứu về dinh
dưỡng, thức ăn cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển để
có đủ nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất.

Giống và thức ăn chiếm hơn 80% giá thành, là hai yếu tố quan trọng để phát triển nuôi biển. Ảnh: Shutterstock

Đề cập về vấn đề xu hướng dinh dưỡng và thức ăn cho nuôi biển, đại diện Công ty TNHH De Heus Việt Nam thông tin, trong nuôi biển hiện nay việc sử dụng phụ gia thức ăn: acid hữu cơ, chế phẩm sinh học, khoáng hữu cơ, tế bào nấm men, phytogennics, carotenoids, chất tăng bắt mồi… sẽ ngày càng phát triển. Sử dụng enzyme tăng hấp thụ dinh dưỡng, hỗ trợ sự phát triển của vật nuôi đến ứng dụng giải pháp sinh học mới nhằm cải thiện môi trường nuôi. Thức ăn chức năng, thức ăn có bổ sung một số thành phần, nhằm tăng cường sức khỏe hoặc ngăn ngừa dịch bệnh, thông qua dinh dưỡng của chúng sẽ là một xu hướng mới. Thức ăn không chứa kháng sinh sẽ là tiêu chuẩn cho các sản phẩm xuất khẩu và phát triển bền vững cho nuôi và xuất khẩu sản phẩm thủy sản nuôi biển Việt Nam. Xây dựng hệ thống hậu cần vùng nguyên liệu, để chủ động sự liên tục và sẵn có của nguyên liệu, hạn chế sự phụ thuộc nguồn nhập khẩu với giá cả phù hợp.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Khánh Hòa, hiện nay, tỉnh đã tiến hành hướng dẫn, kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (NTTS) đối với 23 cơ sở có vốn đầu tư trong nước theo phân cấp quản lý. Ngoài ra, có 2 công ty sản xuất thức ăn có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thực hiện cập nhật danh sách 23 cơ sở trên vào phần mềm quản lý “Cơ sở dữ liệu giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường thủy sản” thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo TT 24/2018/TT-BNNPTNT. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có các đại lý cung ứng các dịch vụ đầu vào phục vụ cho NTTS: thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường NTTS, hóa chất, thuốc thú y thủy sản…, đáp ứng cho nhu cầu của các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm trên địa bàn. Đối với tôm hùm: Người dân sử dụng hoàn toàn thức ăn tươi từ nguồn khai thác trong các vùng biển ven bờ, bao gồm cá tạp, giáp xác nhỏ và các loại động vật thân mềm như sò, vẹm… Đối với cá biển: Thức ăn tươi (các loại cá tạp: cá mối, cá trích, cá nục…) và thức ăn công nghiệp. 

Địa phương cũng khuyến khích các cơ sở nuôi biển hướng đến sử dụng thức ăn công nghiệp, hạn chế dần sử dụng thức ăn tươi. Việc sử dụng bột cá trong sản xuất thức ăn thủy sản phần nào làm suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Việc sử dụng thức ăn tươi nuôi tôm hùm không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ mà còn gây ra các vấn đề về môi trường. Vì vậy, cần có giải pháp để khắc phục, chủ động được nguồn thức ăn cho nuôi tôm hùm. Mặc dù, thức ăn công nghiệp có nhiều ưu điểm hơn thức ăn tươi, nhưng ở một số loài cá biển nuôi, thức ăn công nghiệp chưa thể thay thế hoàn toàn cho thức ăn tươi trong suốt chu kỳ nuôi.

Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết, cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản theo quy định. Nghiên cứu quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho một số đối tượng hải sản có giá trị kinh tế. Thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển ứng dụng công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, liên kết chặt chẽ với các cơ sở nuôi biển; đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý. Khuyến khích các cơ sở nuôi biển hướng đến sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, hạn chế và loại bỏ dần việc sử dụng nguồn cá tạp từ khai thác thủy sản, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường an toàn sinh học.

Dẫn nguồn:thuysanvietnam.com.vn

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Ngành tôm chạy nước rút trong mùa nuôi nghịch
Thứ hai, 16/09/2024 - 09:10 AM
147
Châu Á: Phục hưng ngành tôm
Thứ năm, 29/08/2024 - 04:30 PM
309
Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng
Thứ sáu, 26/07/2024 - 08:15 AM
313
Tin xem nhiều