Nắng nóng dễ dẫn đến dịch bệnh
Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, trong vụ 1/2020, toản tỉnh này có gần 2.000ha diện tích mặt nước được thả nuôi tôm; trong đó, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là hơn 406ha, diện tích nuôi tôm sú là hơn 1.553ha. Do ngay từ đầu năm tình hình thời tiết trên địa bàn Bình Định đã xảy ra nắng nóng gay gắt, khiến 38ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh, chiếm 2% diện tích nuôi tôm; trong đó, bệnh đốm trắng có 0,56ha; bệnh do môi trường 37,7ha. Tính đến nay, sản lượng tôm đã thu hoạch là 3.400 tấn, trong đó có hơn 3.185 tấn tôm thẻ chân trắng và tôm sú thu tỉa được hơn 214 tấn.
Hiện nay, người nuôi tôm ở các địa phương trọng điểm nuôi tôm của Bình Định là các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn đã thả nuôi tôm vụ 2 được khoảng 220ha với đối tượng tôm thẻ chân trắng. Vụ tôm thứ 2 đang đối mặt với thời tiết bất thuận, do nắng nóng gay gắt nên dễ dẫn dịch bệnh đến với tôm nuôi.
“Nắng nóng làm ảnh hưởng đến nhiệt độ của nguồn nước trong ao nuôi, dẫn tới môi trường nước nuôi tôm bị biến động, gây bất lợi cho tôm nuôi. Ví dụ như tôm thẻ chân trắng phù hợp với nhiệt độ từ 28 – 30 độ, nay nắng nóng gay gắt quá nên nhiệt độ trong nguồn nước nuôi tăng lên 32 – 34 độ rất dễ khiến tôm bị sốc, dẫn đến bị bệnh, nếu không được quản lý tốt sẽ bùng phát dịch trên diện rộng”, ông Nhân cho hay.
Cũng theo ông Nhân, để khắc phục sự biến động của nhiệt độ trong nguồn nước nuôi, trước mắt, người nuôi cần tăng cao mực nước trong ao nuôi. Nếu như bình thường mực nước trong ao nuôi có độ sâu từ 1 – 1,2m là đủ thì trong vụ 2 này mực nước trong ao nuôi cần tăng lên trên 1,2m thì mới làm giảm được biến động nhiệt độ trong nguồn nước nuôi.
Nguồn:"nongnghiep.vn"