Theo Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 4209/QĐ-UBND, ngày 15/12/2016), Quảng Ninh sẽ chủ động trong sản xuất giống chất lượng cao; nuôi trồng các đối tượng chủ lực theo vùng tập trung, thâm canh gắn với phát triển hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại; từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên vùng biển đảo. Phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 176.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác 78.000 tấn, nuôi trồng đạt 98.000 tấn. Đến năm 2030, thủy sản Quảng Ninh phát triển đạt trình độ tiên tiến so các nước trong khu vực; chủ động sản xuất được giống các đối tượng nuôi chủ lực, đáp ứng 100% nhu cầu giống NTTS của tỉnh và đảm bảo giống thủy sản có chất lượng cao.
Sản xuất thủy sản giống tại Quảng Ninh - Ảnh: ST
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã và đang chú trọng đảm bảo nguồn cung và nâng cao chất lượng giống thủy sản, với việc hình thành các trung tâm giống thủy sản công nghệ cao, hướng tới chủ động, đáp ứng được nhu cầu con giống các đối tượng nuôi chủ lực. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai 2 dự án, đề án lớn trong lĩnh vực giống thủy sản, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là Dự án hạ tầng Trung tâm Sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) được khởi công tháng 6/2016 trên diện tích 307,6 ha (7,6 ha mặt đất và 300 ha mặt nước), tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng (ngân sách trung ương 104 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 38,2 tỷ đồng, vốn huy động 62,3 tỷ đồng); Công suất sản xuất 1,5 tỷ con giống trở lên/năm. Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà được khởi động từ năm 2018. Tổng mức đầu tư của toàn dự án là 829 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 159 tỷ đồng, Công ty CP Thủy sản Việt - Úc sẽ là nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng toàn bộ Khu với kinh phí 670 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đồng thời là nhà đầu tư chiến lược, hạt nhân trong Khu và được quản lý diện tích 102,6 ha, chiếm 60,5% tổng diện tích toàn Khu. Dự án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến năm 2020, giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2023 và giai đoạn 3 từ năm 2024 - 2025. Ngay trong thời gian triển khai giai đoạn 1 - 27/3/2019, Công ty CP Thủy sản Việt - Úc đã chính thức cho ra mẻ tôm giống thẻ chân trắng đầu tiên với 12 triệu con, đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ phục vụ người nuôi tôm trong tỉnh Quảng Ninh. Mẻ tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao được ra đời không chỉ là “đáp số” đầu tiên cho vấn đề thiếu con giống chất lượng phục vụ các hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, mà còn mở ra hướng phát triển mới cho ngành tôm của Quảng Ninh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Bên cạnh việc thực hiện các dự án, đề án trọng điểm về giống thủy sản, Quảng Ninh cũng chú trọng đến việc quản lý chất lượng giống, kiểm soát dịch bệnh trên giống và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất giống thủy sản...
Theo: Thủy Sản Việt Nam