Ông Đào Văn Đại ở thôn Nam Tiến, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương là một trong những hộ đầu tiên trong vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Trên diện tích gần 12.000 m2 ông chia làm 3 ao: ao lắng, ao cấp và ao nuôi tôm. Trong ao nuôi đều được trang bị hệ thống quạt nước, tạo oxi. Từ 2 vụ/ năm đến nay ông Đại thực hiện nuôi 3 vụ/ năm. Sản lượng tôm trung bình mỗi năm đạt từ 7- 8 tấn, trừ các khoản chi phí ông Đại thu lãi gần 300 triệu đồng. Con số này gấp nhiều lần so với việc cấy lúa hoặc nuôi cá truyền thống.
Ông Đào Văn Đại cho hay: "Trước kia tôi nuôi cá truyền thống, nuôi cá thì vất vả. Nhà có 3 người cứ thay nhau cắt cỏ mà mỗi năm cũng chỉ kiếm được mấy chục triệu. Năm 2016 tôi chuyển sang nuôi tôm. Nuôi con tôm thì nó nhàn mà con tôm thì nó là siêu lợi nhuận. Từ đó tôi chỉ tập trung vào nuôi con tôm thôi."
Sau thành công của 1 số hộ nuôi, năm 2017, nhiều hộ dân trong vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Hồng Tiến quyết định mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 15 ha. Đặc biệt có 3 hộ mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo hướng công nghệ cao với diện tích 2 ha. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, không chỉ góp phần tăng năng suất nuôi trồng mà còn hạn chế những yếu tố bất lợi của thời tiết.
Thực hiện đề án phát triển nuôi tôm nước lợ ven biển giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh Thái Bình, Hồng Tiến đã tổ chức quy hoạch lại sản xuất thủy sản. Theo đó, giai đoạn 1, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi từ nuôi cá sang nuôi tôm thẻ chân trắng vùng thủy sản tập trung của xã với tổng diện tích 56,6ha theo hướng áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ông Cao Hải Đường - Phó Giám đốc hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương cho biết: "Để việc nuôi tôm được thuận lợi thì hợp tác xã mời các chuyên gia, những cán bộ kỹ thuật của Chi cục thủy sản Thái Bình về phổ kiến thức cho các hộ nuôi tôm. Ngoài ra hợp tác xã chủ động liên kết với các công ty cung cấp nguồn con giống chất lượng ở trong và ngoài tỉnh để có con giống tốt phục vụ việc sản xuất của bà con."
Lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân xã Hồng Tiến đã có thu nhập cao trên vùng đất nhiễm mặn. Trong thời gian tới khi mà tình trạng xâm nhập mặn có dấu hiệu gia tăng thì con tôm được xác định là đối tượng nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.
Theo nguồn:tepbac.com