Nước sông Đà xuống thấp, hàng chục lồng cá mắc cạn

Thứ tư, 09/10/2019 - 02:33 PM      504

Nhiều hộ nuôi cá lồng tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đang gặp khó khăn khi nước sông Đà rút mạnh và liên tục xuống thấp, một số hộ phải bỏ nghề.

Trao đổi với phóng viên, ngày 7/10, anh Dương Tiến Dũng, khu 5 xã Xuân Lộc, chủ của 17 lồng cá cho biết, từ tháng 7/2019 đến nay, nước sông Đà liên tục xuống thấp khiến hàng chục lồng cá của người dân bị mắc cạn, gây khó khăn cho người nuôi, thậm chí có hộ đã phải bỏ nghề mặc dù còn nợ rất nhiều.

Chú thích ảnh

Những hộ nuôi cá lồng ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy tận dụng lượng nước ít ỏi ven bờ - Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Anh Dũng chia sẻ: Gia đình tôi ở đoạn giữa nên chỉ bị 3 lồng mắc cạn, hai hộ phía trên theo dòng chảy từ Hòa Bình về với 25 lồng đã mắc cạn hoàn toàn, trong đó hơn 10 lồng cá của hộ ông Thanh đã “xóa sổ” từ cuối năm 2018. Số cá trong 3 lồng bị mắc cạn, gia đình phải di chuyển nuôi ghép với những lồng khác vẫn còn ít nước dưới đáy…

Ông Đặng Văn Luyện, khu 5, xã Xuân Lộc bộc bạch, trước đây gia đình có 22 lồng cá, do mực nước xuống thấp gia đình đã phải gỡ bỏ hoàn toàn để di chuyển xuống phía dưới và chấp nhận bỏ 12 lồng cá vì không đủ kinh phí đầu tư. Theo ông Luyện, gia đình đã di chuyển được 9 lồng cá từ vị trí cũ về chỗ mới, chứ không sẽ mất trắng. Việc di chuyển đến nơi mới, bước đầu cũng gặp rất khó khăn do kinh phí hạn hẹp, cách nhà ở xa hơn nên việc nuôi và chăm sóc cá đang gặp nhiều khó khăn…

Để khắc phục tình trạng cá giống, cá thương phẩm phải nằm trên cát, phơi nắng, phơi sương do nước sông xuống thấp, những hộ nuôi cá lồng phải thuê máy sục vào cát, tời lưới lên cho nổi lồng để cứu cá, đồng thời huy động nhân công để chuyển cá đi nơi khác tránh tình trạng cá chết. Tuy nhiên, hiện nước sông xuống quá thấp nên dòng nước không chảy, người dân nuôi cá lồng “như ngồi trên lửa” - nợ tiền cá giống, thức ăn cho cá đã nhiều, nay khả năng cá bị chết vì nước cạn càng lớn sẽ chồng chất gánh nặng kinh tế.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn huyện Thanh Thủy có hơn 370 lồng cá được nuôi rải rác dọc sông Đà. Trong đó, nhiều nhất tại xã Xuân Lộc với gần 150 lồng. Nguyên nhân được xác định là do biến đổi khí hậu nên nước sông Đà chuyển dòng, gây bồi lấp cát về phía huyện Thanh Thủy nên xảy ra hiện tượng lồng nuôi bị mắc cạn.

Để ứng phó với tình trạng nước sông Đà xuống thấp, ông Nguyễn Mạnh Phúc - Phó Chi cục Trưởng Chi cục thủy sản Phú Thọ cho hay, Chi cục khuyến cáo bà con nuôi cá lồng trên sông Đà thực hiện các biện pháp như di chuyển các lồng nuôi ra vị trí nước sâu hơn, thường xuyên theo dõi lượng nước để quyết định thời gian di chuyển lồng tránh thiệt hại. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi cá đầu tư đưa những giống cá lớn vào nuôi để rút ngắn thời gian nuôi, khi sự cố bất thường xảy ra có thể thu hoạch, xuất bán được luôn….

Ngoài ra, Chi cục cũng khuyến cáo các hộ nuôi tăng cường ứng dụng nuôi thâm canh cá giống trong ao và nuôi cá sông trong ao để chủ động việc cung ứng giống ra nuôi lồng; khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như thủy điện Hòa Bình xả lũ, nước sông cạn kiệt có thể di chuyển cá từ sông vào nuôi trong ao…

Thời gian tới, Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND huyện Thanh Thủy tiếp tục rà soát quy hoạch nuôi cá lồng để khuyến cáo đến người dân những vị trí nuôi thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho những hộ nuôi, ổn định sản xuất…
Theo: Thủy Sản Việt Nam

Tags:
Ý kiến của bạn