(TSVN) – Hiện là giai đoạn cao điểm mà doanh nghiệp xuất khẩu tôm tập trung chế biến phục vụ các đơn hàng đã ký trong năm. Tuy nhiên, do giá tôm giảm mạnh kéo dài, cùng đó là dịch bệnh và thời tiết diễn biến khó lường nên nhiều hộ dân đã tạm ngưng thả nuôi vụ mới. Vì vậy, theo dự báo, chuyện thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu vào thời gian tới là khó tránh khỏi.
Rủi ro vẫn còn rất lớn
Từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay được dự báo sẽ có mưa bão nhiều, cùng đó bệnh do EHP đang có xu hướng phát triển mạnh. Điều này cùng với việc giá tôm giảm mạnh trong thời gian dài khiến nhiều hộ đã tạm thời ngưng nuôi, chờ tình hình thuận lợi mới tiếp tục vào vụ mới. Ngay cả trang trại nuôi của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta vốn nổi tiếng là bất bại, thì sau khi thu hoạch vụ 2 hoàn tất trong tháng 8 này cũng sẽ tạm ngưng, chờ dứt mùa mưa mới thả nuôi trở lại.
Nhận định về vụ nuôi hiện tại, ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho rằng: “Vụ nuôi hiện nay là vụ nghịch nên rất nhiều khó khăn cả về thời tiết lẫn dịch bệnh, nhất là bệnh do EHP, vì vậy tỷ lệ thành công thường thấp hơn so với vụ thuận. Trong khi đó, giá tôm hiện tại dù đã tăng trở lại nhưng chưa đạt mức kỳ vọng nên rất ít người thả nuôi”.
Các doanh nghiệp đang vào cao điểm chế biến với nỗi lo thiếu hụt tôm nguyên liệu trong các tháng cuối năm. Ảnh: XT
Thông thường, mỗi khi giá tôm bật tăng trở lại sẽ kéo theo số diện tích thả nuôi tăng lên, tuy nhiên, thực tế năm nay lại khác. Mới đây, phóng viên của Đặc san Con Tôm có dịp tiếp xúc với các hộ nuôi tôm mật độ cao theo mô hình lót bạt của tỉnh Sóc Trăng, hầu hết, họ đều cho biết, giá tôm mặc dù đã tăng so với cách nay 1 tháng, nhưng nếu thả nuôi ở thời điểm hiện tại thì rủi ro vẫn còn rất lớn.
Theo tính toán của các hộ nuôi tôm ao lót bạt, ở vụ nuôi hiện tại, nếu sản xuất thuận lợi, tôm đạt năng suất khá thì giá thành sản xuất TTCT cỡ 30 con/kg cũng phải 105.000 – 110.000 đồng/kg, trong khi giá bán hiện nay chỉ vào khoảng 126.000 – 128.000 đồng/kg. Lợi nhuận như vậy là thấp và khả năng thua lỗ khá cao vì có thể gặp rất nhiều rủi ro, như: môi trường dễ biến động do mưa bão nhiều, dịch bệnh dễ phát sinh…
Cạnh tranh gay gắt
Trái ngược với nuôi trồng thì từ nay đến cuối năm là giai đoạn các doanh nghiệp xuất khẩu tôm bước vào cao điểm chế biến để hoàn tất giao hàng cho những hợp đồng đã ký kết trong năm. Do đó, nguồn cung tôm nguyên liệu được dự báo sẽ thiếu hụt so với nhu cầu. Ông Phục cho biết thêm: “Ngay thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều không mua được đủ lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến mỗi ngày. Vì vậy, chuyện thiếu tôm nguyên liệu gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong các tháng còn lại của năm, nhất là tháng 9 và tháng 10”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Theo các dự báo thì khả năng mưa nhiều dồn dập sẽ diễn ra trong tháng 8 và tháng 9, khiến hoạt động nuôi tôm thêm khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh tôm giống nhiễm bệnh tỷ lệ khá cao, tỷ lệ thành công sẽ giảm thấp, sản lượng tôm sẽ không nhiều, giá cả theo quy luật cung cầu sẽ tăng lên, gây khó thêm cho cơ sở chế biến”.
Dự báo, giá tôm sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Ảnh: PTC
Theo các doanh nghiệp, hiện ngoài số hợp đồng đã ký trước đó, doanh nghiệp vẫn tiếp tục ký thêm hợp đồng mới theo kiểu gối đầu, nên chuyện cạnh tranh tôm nguyên liệu tới đây chắc chắn sẽ còn gay gắt, dù giá hợp đồng xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Trước những dự báo khó khăn về nguồn cung tôm nguyên liệu phục vụ các đơn hàng từ nay đến cuối năm, nên giá tôm trong nước thời gian tới sẽ tăng thêm, nhất là từ tháng 10 trở đi. “Giá tôm đã tăng trở lại khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg so với cách nay 1 tháng. Với tình hình như bây giờ, theo tôi, giá tôm đến tháng 10 sẽ còn tăng thêm ít nhất khoảng 10% nữa” , ông Phục nhận định.
Nắm bắt cơ hội
Đến thời điểm hiện nay, yếu tố thận trọng vẫn luôn được người nuôi tôm và doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, bởi các biến số có liên quan đến cả vụ tôm vẫn rất khó lường và chưa thể đoán định. Đó là diễn biến của trạng thái thời tiết La Nina từ nay đến cuối năm sẽ ra sao, con tôm liệu có còn lớn nhanh như những tháng đầu năm hay không, các loại bệnh nguy hiểm trên tôm liệu có xuất hiện trở lại…? Đó còn là nhu cầu thị trường liệu có tăng mạnh trở lại theo đúng như quy luật hàng năm hay không, cước vận tải biển liệu có giảm đi như dự đoán hay sẽ tiếp tục tăng,…? Tất cả vẫn còn đang là ẩn số mà các doanh nghiệp đang rất khẩn trương tìm lời giải để có thể nắm bắt thời cơ một cách tốt nhất.
Hơn nửa chặng đường của vụ tôm nước lợ năm 2024 đã trôi qua. Mùa tôm đang vào cao điểm và tuy có những bất lợi nhất định, nhưng với những diễn biến thị trường cho thấy, giá tôm trong nước sẽ được cải thiện, xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng từ nay đến cuối năm, thậm chí có doanh nghiệp mạnh dạn tuyên bố sẽ tăng doanh thu xuất khẩu tôm ở mức 2 con số. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của cả nghề nuôi lẫn chế biến, xuất khẩu sẽ khó lòng đạt như kỳ vọng. Cơ hội lẫn thách thức cho vụ tôm nước lợ năm 2024 vẫn còn ở phía trước và dù chưa thể nói một cách chắc chắn về kết quả cuối cùng của vụ tôm này nhưng một khi sự lạc quan đã trở lại, chúng ta có quyền hy vọng, vụ tôm năm nay sẽ về đích một cách tốt nhất có thể.
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com