Kết quả quan trọng
Theo số liệu báo của của Cục Thủy sản và Kiểm ngư, tính đến tháng 3 năm 2025, số lượng tàu cá của 28 tỉnh, thành phố ven biển đã giảm từ 86.820 chiếc năm 2020 còn 82.487 chiếc, trung bình giảm khoảng 0,6 %/năm. Trong giai đoạn này, có 18 địa phương ven biển có số tàu cá giảm dần.

Rong mơ tại làng chài xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sống, góp phần đa dạng hệ sinh thái biển. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân
Đối với nuôi trồng thủy sản trên biển, đến nay, hoạt động nuôi biển đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi ngành hàng. Nhiều công nghệ mới, hiện đại được ứng dụng trong nuôi biển. Năm 2024, diện tích nuôi biển của cả nước đạt 9,7 triệu m³ lồng và 58.000 ha nuôi nhuyễn thể, tăng 2,1% so với năm 2023. Cũng trong năm 2024, sản lượng nuôi biển đạt 832.000 tấn.
Công tác bảo tồn biển trong thời gian qua cũng được quan tâm và đạt được một số kết quả tích cực. Tổng diện tích vùng biển Việt Nam được bảo tồn khoảng 201.749 ha, chiếm khoảng 0,202% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam.
Trải qua gần 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản, chưa đầy 3 năm thực hiện Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững và hơn 2 năm thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế đã thực hiện một số mô hình chuyển đổi sinh kế tại các cộng đồng ngư dân ven biển.
Một số mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng, thu hút được sự tham gia của cộng đồng như tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang… Đây cũng là cơ sở để các địa phương học hỏi, tham khảo.
Điểm nghẽn cần tháo gỡ
Để phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành nêu rõ 3 trụ cột quan trọng: “Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính sách giảm khai thác (giảm tàu cá) chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, cắt giảm tàu cá tại các địa phương thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng tàu khai thác được chuyển đổi nghề còn rất thấp. Một số mô hình chuyển đổi nghề đã được triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, thậm chí có mô hình đã thất bại sau một thời gian triển khai thí điểm.
Nguyên nhân chủ yếu là do phương thức chuyển đổi nghề, cơ chế chính sách của từng địa phương chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến hiệu quả chuyển đổi nghề trong khai thác hải sản, đặc biệt các nghề khai thác ven bờ triển khai còn chậm.
Trong khi đó, phát triển ngành nuôi biển hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Có thể kể tới một số trở ngại dẫn tới điều này như hạn chế về quy định pháp lý, quy hoạch, hạ tầng, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao, thiếu chính sách thu hút, khuyến khích cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản chuyển sang nghề nuôi trồng và dịch vụ nuôi trồng thủy sản trên biển…
Không chỉ vậy, công tác bảo tồn biển vẫn còn nhiều tồn tại. Diện tích mặt nước tự nhiên được bảo tồn hiện nay còn rất thấp so với mục tiêu đề ra (6%) tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị “Định hướng phát triển khai thác thủy sản hiệu quả bền vững và có trách nhiệm” tổ chức ngày 11/4 tại Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến thẳng thắn nhìn nhận, nuôi trồng thủy sản trong nhiều năm qua đã phát triển, nhưng lợi thế của chúng ta còn rất nhiều, tiềm năng nuôi thủy sản hồ chứa vẫn còn chưa được khai thác đúng mức.
Đặc biệt, Thứ trưởng cũng chỉ ra vấn đề tồn tại ở nhiều địa phương hiện nay đó là công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chống khai thác IUU… còn yếu và chưa đồng bộ.
Giải pháp chiến lược
Để ngành thủy sản phát triển bền vững trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh 3 trụ cột chính, gồm: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Thứ trưởng chỉ rõ: “Việc khai thác thủy sản phải gắn chặt với công tác chống IUU, trong đó chú trọng thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá, thiết bị giám sát hành trình; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời cần tập trung rà soát lại cơ cấu đội tàu, cơ cấu nghề khai thác. Tăng cường nuôi biển, đổi mới khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch, góp phần nâng cao giá trị và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”.
Trước những thách thức của ngành thủy sản, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho rằng, giảm tàu khai thác ven bờ và thúc đẩy nuôi trồng là con đường tất yếu để bảo vệ nguồn lợi biển và phát triển sinh kế bền vững.
Được biết, hiện nay, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đang phối hợp cùng một số đơn vị tập huấn kỹ năng nuôi biển cho ngư dân tại một số địa phương. Người đứng đầu ngành thủy sản cho rằng, chỉ khi có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật nuôi biển lành nghề thì thực hiện mục tiêu nuôi biển mới hiệu quả. Từ việc hướng dẫn người dân nuôi con gì cho phù hợp cho tới việc phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Một khi đời sống của người dân được cải thiện thì họ sẽ không nghĩ đến việc khai thác hủy diệt.
“Mỗi địa phương sẽ có cách làm riêng và mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để người dân được hưởng lợi, không phải rời bỏ quê hương. Hiện nay ở các địa phương đã có một số mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản hay, hiệu quả. Tuy nhiên, để nhân rộng cần có sự chung tay của lãnh đạo địa phương cũng như cộng đồng để cùng xây dựng những ngôi làng ven biển thực sự trở thành nơi đáng sống”, ông Luân chia sẻ.
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nêu rõ một số nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Thùy Khánh