Nam Định: Sản xuất nấm cho doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

Thứ sáu, 08/11/2019 - 03:15 PM      546

Đó là con số ấn tượng mà cơ sở sản xuất nấm của ông Cao Văn Thế, hội viên, nông dân chi Hội 5, Hùng Tiến, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy đạt được trong một năm.

 
 
Sản phẩm nấm sau khi thu hoạch.
 

Nhận thấy tại địa phương có nguồn nguyên liệu dư thừa từ sản xuất rất lớn, ông đã tìm tòi, nghiên cứu tận dụng những phế phụ phẩm trong nông nghiệp như: Rơm, rạ, mùn cưa làm giá thể trồng nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, mộc nhĩ, linh chi…


Ban đầu, ông thuê đất của HTX và mua khoảng 30 tấn rơm rạ trồng nấm thử nghiệm, thu nhập mỗi năm chỉ lãi vài chục triệu đồng. Qua quá trình làm, kết hợp học hỏi thêm kinh nghiệm ở nhiều nơi, ông đã mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. Nhờ đó, mô hình phát triển tốt, sản phẩm nấm được thị trường ưa chuộng. Tính đến nay, gia đình ông sản xuất được 3 đợt nấm/năm với 10-15 vạn bịch, tương đương 30-40 tấn nấm các loại cung cấp ra thị trường. Doanh thu từ cơ sở sản xuất nấm của ông đạt khoảng từ 1-1,5 tỷ đồng/năm. Trừ mọi chi phí, lợi nhuận thu về của gia đình ông lên tới 200-300 triệu đồng/năm.


Hiện nay, cơ sở của ông còn trồng thử nghiệm nấm Kim Phúc, nấm Chân Dài. Đây là loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao, giá bán từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Sản phẩm của gia đình ông không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh mà đã có mặt ở các chợ đầu mối, các chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tại các thành phố lớn.


Hiện cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 15 lao động với thu nhập bình quân 140.000 đồng/ngày/người, mỗi năm xử lý 100 - 180 tấn phế, phụ phẩm, trong đó có khoảng 10 tấn rơm, 50 tấn phế phẩm bông và hơn 100 tấn mùn cưa.


Đây là một trong những mô hình điển hình góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tận dụng được phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường.
Tags:
Ý kiến của bạn