Hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản

Thứ hai, 10/02/2020 - 05:59 PM      1095

Doanh nghiệp chú ý thông tư về kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản áp dụng vào ngày 13 tháng 02 năm 2020.

Cá tra phi lê
Cá tra phi lê cuộn

Để đảm bảo An toàn thực phẩm thủy sản, ngày 31 tháng 12 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 28/2019/TT-BNNPTNT quy định về yêu cầu kỹ thuật kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản.

Theo đó, quy định về yêu cầu kỹ thuật kiểm nghiệm một số chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản có quy định giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (MRPL) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với trường hợp thực phẩm thủy sản xuất khẩu: Sẽ áp dụng theo quy định của quốc gia nhập khẩu và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Có 03 nhóm đối tượng áp dụng Thông tư này:

Một là, Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định đủ năng lực kiểm nghiệm một số chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT ngày 01/8/2013 quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước.

Hai là, Cơ quan quản lý nhà nước, Tổ chức/cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm thủy sản và các Cơ quan quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm thủy sản.

Ba là, Tổ chức/cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản.

Hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản

Mức MRPL đối với 03 loại hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư. Theo đó, có 03 loại hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản:

(1) Chloramphenicol

(2) Các chất chuyển hóa của Nitrofuran (bao gồm: Nitrofurazon, Nitrofurantoin, Furazolidone, Furaltadon)

(3) Tổng Malachite Green, Leuco-Malachite Green. Giá trị CCβ đối với từng chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản phải nhỏ hơn hoặc bằng (≤) giá trị MRPL tương ứng. 

Đối với Cơ sở kiểm nghiệm: Phải được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá, chỉ định là Cơ sở kiểm nghiệm một số chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản có quy định MRPL phục vụ quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại Thông tư này.

Cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả kiểm nghiệm phù hợp với Mẫu phiếu kiểm nghiệm qui định tại Phụ lục 3 của Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT ngày 01/8/2013 và biện pháp xử lý tương ứng. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm của lô hàng lớn hơn hoặc bằng (≥) giá trị MRPL: Cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả “vượt ngưỡng MRPL”; Tổ chức/cá nhân sản xuất, kinh doanh lô hàng phải thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm và thu hồi, xử lý đối với các lô hàng không bảo đảm an toàn theo quy định tại Diều 54, 55 Luật An toàn thực phẩm.

Trách nhiệm của các bên liên quan đến thực phẩm thủy sản

Cơ sở kiểm nghiệm: Đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật kiểm nghiệm; Đảm bảo độ tin cậy, chính xác đối với kết quả kiểm nghiệm và thông báo kết quả kiểm nghiệm theo quy định. Tuân thủ chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và chế độ kiểm tra, giám sát về hoạt động kiểm nghiệm của các Cơ quan quản lý nhà nước về đánh giá, chỉ định Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước.

Tổ chức/cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản: Thực hiện các biện pháp xử lý đối với thực phẩm thủy sản theo quy định; Lưu trữ đầy đủ hồ sơ về các trường hợp được Cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả kiểm nghiệm, biện pháp xử lý đối với thực phẩm thủy sản và báo cáo Cơ quan quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm khi được yêu cầu (thời gian lưu trữ hồ sơ phù hợp với thời hạn sử dụng của từng loại sản phẩm quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02 - 02: 2009/BNNPTNT Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản - Chương trình đảm bảo Chất lượng và An toàn thực phẩm theo nguyên tắc HACCP).

Cơ quan quản lý nhà nước về đánh giá, chỉ định Cơ sở kiểm nghiệm: Tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các Cơ sở kiểm nghiệm; Cập nhật quy định về mức MRPL đối với các hóa chất kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản; Đánh giá chỉ định Cơ sở kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản đã được quy định MRPL.

Cơ quan quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm: Thẩm tra việc thực hiện của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản quy định tại Điều 6 Thông tư này trong quá trình thanh tra, kiểm tra và thẩm định điều kiện bảo đảm An toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

Thông tư 28/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 02 năm 2020.
 

Theo:tepbac.com
Tags:
Ý kiến của bạn