Quảng bá tôm Bạc Liêu trên đất Quảng Ninh

Thứ năm, 04/07/2019 - 08:35 PM      751

Nằm trong chuỗi sự kiện “Tôm Bạc Liêu – Taste of Vietnam” do UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng Tập đoàn Việt – Úc và FLC Group tổ chức, chiều 29/6/2019, một chương trình tọa đàm với tên gọi “Gặp gỡ Bạc Liêu” đầy ý nghĩa đã diễn ra tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC (TP. Hạ Long, Quảng Ninh). Tiếp đó, là Gala dinner rộn rã sác màu “Tôm Bạc Liêu – Hương vị Việt Nam”, tổng kết cuộc thi ẩm thực chế biến từ con tôm Việt - Úc.

Xác định chương trình tọa đàm “Gặp gỡ Bạc Liêu” là cơ hội xây dựng và quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung; là cầu nối để tỉnh Bạc Liêu và Tập đoàn Việt - Úc truyền tải các thông điệp về chiến lược xây dựng thương hiệu tôm, những thành công trong việc áp dụng công nghệ trong nuôi tôm lan tỏa rộng rãi trong nước và thế giới. Chính vì vậy, nội dung tọa đàm trọng tâm hướng tới những thông tin nhằm  góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về việc lựa chọn được nguồn tôm sạch, mang tầm thương hiệu quốc gia, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.

Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, bên cạnh những thuận lợi, ngành tôm vẫn tồn tại những khiếm khuyết như  mô hình sản xuất  manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi; ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu; đến chất lượng hạ tầng ngành tôm chưa tương đồng... Để ngành tôm tiếp tục phát triển, hướng đến là công xưởng sản xuất tôm của thế giới, ônh Luân nhấn mạnh: “Hiện sản lượng tôm của Việt Nam chiếm khoảng 50% thị trường thế giới. Để tổ chức sản xuất ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới được vươn xa, thì các địa phương cần chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển”.

Chương trình tọa đàm “Gặp gỡ Bạc Liêu” 

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước. Dư địa về diện tích nuôi tôm, hiện Bạc Liêu có hơn 130 ngàn ha diện tích có thể nuôi tôm, trong đó hơn 70% thích hợp nuôi tôm công nghệ cao. Bạc Liêu có hệ sinh thái gồm 3 vùng mặn, ngọt, lợ đại diện cho vùng ĐBSCL; sản lượng tôm thu hoạch khoảng 140 nghìn tấn/năm, đứng thứ ba toàn quốc. Đặc biệt, Bạc Liêu hội tụ hàng chục doanh nghiệp tiên phong chuyên sản xuất, cung ứng tôm giống, chiếm 1/3 thị phần tôm giống cả nước, sở hữu công nghệ nuôi tôm công nghệ cao, đội ngũ nhân lực có trình đô chuyên ngành tôm và liên kết chặt chẽ với các trường đào tạo giàu kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản; Để khuyến khích, tỉnh đã ban hành cơ chế giảm thuế 100% cho các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm công nghệ cao...  Cũng theo ông Trung, Bạc Liêu có đầy đủ yếu tố để trở thành “công xưởng” sản xuất tôm lớn nhất cả nước và hướng đến trở thành thủ phủ ngành tôm trong tương lai không xa.

Đại diện Tập đoàn Việt – Úc, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, khẳng định: Việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm là tối quan trọng. Chính vì vậy, Việt – Úc luôn tiên phong đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng tôm giống. Ông Văn chia sẻ: Khi ta có công nghệ tốt và thực hiện đúng quy trình , thì chúng ta có chất lượng, số lượng tốt nhất. Nếu đầu tư trọng điểm vào công nghệ thì ta không cần sử dụng kháng sinh, hóa chất… Tập đoàn Việt – Úc luôn quan tâm về yếu tố môi trường trong sản xuất, phát triển tôm nuôi, chú trọng đến chất lượng tôm nuôi, vùng nuôi và đảm bảo các yếu tố về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh ATTP, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh,,,

Phát triển bền vững ngành tôm, quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD 

Để hiện thực hóa khát vọng “Nâng tầm tôm Việt”, theo ông Văn, cần  thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về việc lựa chọn được nguồn tôm sạch và xây dựng thương hiệu quốc gia cho con tôm. Theo đó, để xây dựng được thương hiệu thì cần đảm bảo 2 yếu tố đó là chất lượng và sản lượng.

Là người theo sát và hiểu rõ từng bước đi của Việt – Úc, ông Nigel Preston, Giám đốc Viện CSIRO  - Úc, cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm là không phải bàn cãi. Nếu khi nuôi tôm, chúng ta có công nghệ về gen thì có thể chẩn đoán bệnh rất tốt nhờ qjuy trình phối giống, chọn lọc. Và có giống tôm tốt sẽ hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng và sản lượng tôm nuôi.

Nhìn chung, những ý kiến tâm huyết được đưa ra trong tọa đàm đều tập trung vào việc nâng cao chất lượng con tôm, hướng đến xây dựng thương hiệu quốc gia. Các giải pháp trọng tâm vào phát triển bền vững ngành tôm, quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD tôm vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo: Tạp Chí Thủy Sản Việt Nam 

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Mua tôm chết sơ chế thành tôm nõn bán cho khách
Thứ sáu, 27/03/2020 - 09:01 PM
894
Quảng Ngãi rộn ràng vào mùa cá cơm khô
Thứ ba, 11/02/2020 - 03:29 PM
970
4,5 tấn tôm bơm tạp chất bị bắt giữ
Thứ tư, 04/12/2019 - 11:23 PM
682
Tin xem nhiều