Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ
Theo Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, cân đối cung cầu từ nay đến cuối năm 2021 cho thấy, ở các tỉnh Nam Bộ sẽ thu hoạch 900 nghìn ha lúa hè thu và 700 nghìn ha lúa thu đông, sản lượng chung ước đạt 7,5 triệu tấn, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 3,5 triệu tấn.
Về trái cây, ước sản lượng 6 tháng còn lại năm 2021 của 14 cây ăn quả chủ lực phía Nam là 3,2 triệu tấn. Trong tháng 8, ước sản lượng thu hoạch là 450 nghìn tấn, gồm vùng Đông Nam Bộ 107,6 nghìn tấn, ĐBSCL 335,6 nghìn tấn. Sản lượng rau quả dành cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm khoảng 3 triệu tấn.
Ước tính riêng trong quý III/2021, sản lượng thủy sản 19 tỉnh, thành Nam Bộ đạt khoảng 1,45 triệu tấn, trung bình mỗi tháng sản xuất được khoảng 483 nghìn tấn, đáp ứng đủ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Sản xuất giống tôm và cá tra đáp ứng đủ nhu cầu nuôi.
Về chăn nuôi gia súc, gia cầm, trung bình mỗi tháng khu vực Nam Bộ sản xuất khoảng 141 nghìn tấn lợn, 55 nghìn tấn gà, 550 triệu quả trứng gia cầm.
Cân đối cung cầu giống chăn nuôi từ nay đến cuối năm, lượng lợn con theo mẹ của 19 tỉnh, thành phía Nam hiện còn rất lớn, khoảng 1,5 triệu con. Cùng với 43.800 con lợn và 3,9 triệu con gia cầm cao sản cấp ông bà, bố mẹ nhập khẩu năm 2020, lượng con giống đang sản xuất ổn định tại các cơ sở giống đủ đảm bảo cung ứng con giống, nhu cầu thịt, trứng trong 6 tháng cuối năm.
Trong những ngày qua, Tổ công tác 970 đã phối hợp với Tổ công tác các Bộ, Sở NN-PTNT 19 tỉnh thành phía Nam, cơ bản giải quyết những vướng mắc trong lưu thông hàng hóa nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Tổ công tác cho biết, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phía Nam đã làm rất tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, giải quyết kịp thời và hiệu quả công việc, tạo thuận lợi cho sản xuất và lưu thông nông sản hàng hóa, vật tư nông nghiệp. Đây là mô hình để các địa phương trong cả nước có thể vận dụng trong thời gian tới nhằm tránh làm đứt gãy trong chuỗi lưu thông tiêu thụ nông sản, vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch bệnh.
Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Tổ công tác Bộ Công Thương, Sở Công Thương và Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trong điều kiện thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Đến ngày 5/8, có tổng 778 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng kí với Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cụ thể: rau củ 200 đầu mối; trái cây 192 đầu mối; thủy hải sản 318 đầu mối; lương thực 37 đầu mối; các mặt hàng khác 31 đầu mối.
Tổ công tác cũng đã tổ chức 2 diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu giữa các địa phương phía Nam và với các tỉnh phía Bắc. Thông qua 2 diễn đàn này, các đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm đã kết nối cung cấp được nhiều đơn hàng tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn. Mô hình hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản này sẽ được Bộ NN-PTNT chỉ đạo đưa vào kế hoạch hoạt động thường xuyên nhằm tạo nên chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu dùng.
Nguồn cung có nguy cơ giảm mạnh
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nguy cơ sản xuất bị đình trệ dẫn tới việc thiếu hụt nhiều loại thực phẩm thiết yếu phục vụ trong nước và xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Nhiều khả năng trong 6 tháng cuối năm, nguồn cung nông sản thực phẩm phục xuất khẩu sẽ giảm mạnh.
Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm còn 50%. Cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp, tâm lý người trồng không tốt dẫn đến việc thiếu sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu.
Trước tình hình đó, từ nay đến cuối năm 2021, ngành nông nghiệp phía Nam phải vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 nhưng cũng phải duy trì và phục hồi sản xuất nhằm tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm.
Bởi nếu để đứt gãy các chuỗi này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu lương thực và thực phẩm của người dân nông thôn và thành phố, người lao động và sản xuất tại các địa phương, hệ thống thu mua, chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hơn thế nữa, là ảnh hưởng tới việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và an ninh lương thực quốc gia về lâu dài.
Giải quyết ngay khâu giống
Nhằm đạt được mục tiêu duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cần có các giải pháp phù hợp trong kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, mà trước hết là đảm bảo cung cấp nguồn giống cây, con.