Bà con nông dân phân loại sả sau thu hoạch. Ảnh: Nam Thái - TTXVN |
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, hiện nay, giá sả thương phẩm dao động ở mức 3.800 đồng đến 4.000 đồng/kg còn mãng cầu xiêm giá thương lái thu mua tại vườn từ 14.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Những cây trồng chủ lực này trong cơ cấu cây trồng miền đất nhiễm mặn hạ lưu sông Tiền đang thiết thực mang lại cho bà con nơi đây một nguồn lợi kinh tế quan trọng.
Nông dân Nguyễn Văn Sum, cư ngụ tại ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông chuyển đổi 7.000 m2 đất trồng lúa sang trồng sả chuyên canh cho biết, cây sả thích hợp với thổ nhưỡng và thời tiết khắc nghiệt ở huyện Tân Phú Đông, chịu đựng được khô hạn và ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Mỗi năm có thể thu hoạch được 2 -3 vụ. Năng suất khoảng 30 tấn/ha/năm. Giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, thu 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 50 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ cây sả, gia đình ông Nguyễn Văn Sum đã vượt qua nghèo khó, được công nhận nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi, có thu nhập cao tại địa phương.
Còn ông Lê Hồng Đáng, cư ngụ tại ấp Gảnh, xã Phú Đông chuyển đổi trên 5.000 m2 đất lúa 1 vụ bấp bênh sang trồng chuyên canh mãng cầu xiêm cho biết, mãng cầu xiêm là giống cây ăn quả đặc sản nổi tiếng của cù lao Tân Phú Đông, chịu được hạn mặn và điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt, năng suất và hiệu quả cao. Vườn mãng cầu xiêm của ông hiện đang cho khai thác với sản lượng mỗi năm từ 5 đến 7 tấn quả, bán trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 70 triệu đồng mỗi năm.
Nhờ vườn mãng cầu xiêm chuyên canh, gia đình ông Lê Hồng Đáng chẳng những vượt qua khó khăn mà còn tạo dựng cơ nghiệp ổn định, có của ăn của để đồng thời giúp hàng chục hộ nghèo khó trong xóm ấp kỹ thuật, cây giống để cùng chuyển đổi sản xuất, an cư lạc nghiệp.
Phú Thạnh và Phú Đông là hai xã ven biển của huyện cù lao Tân Phú Đông nhiều khó khăn. Trước đây, nông dân chỉ sản xuất mỗi năm 1 vụ lúa, thời gian còn lại bỏ hóa do hạn hán và xâm nhập mặn. Hiện nay, để khắc phục khó khăn, phát huy các tiềm năng đất đai, lao động giúp nông dân vùng đất khó vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, địa phương đã xây dựng và triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện đến năm 2025” và Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng 2030” đang được nhân dân trong huyện, đặc biệt là bà con các xã trọng điểm: Phú Thạnh, Phú Đông hết sức ủng hộ.
Trong tháng 8/2019 vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức lễ công bố và trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Cộng nghệ) cấp cho “Sả Tân Phú Đông”. Theo phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang-Trần Hữu Tước, đây là bước đi quan trọng nhằm khẳng định thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm chủ lực tỉnh nhà nói chung và cây sả huyện Tân Phú Đông nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết, địa phương phấn đấu đến năm 2020, chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa địa bàn khó khăn sang trồng chuyên canh sả, mãng cầu xiêm và các cây trồng có giá trị kinh tế cao vừa thích ứng được biến đổi khí hậu, thiết thực giúp nông dân an cư lạc nghiệp.
Theo: dantocmiennui.vn