Hiệp hội người nuôi tôm trẻ (PMI) đã tổ chức Hội nghị Nuôi tôm (SAC) lần thứ hai tại Bali, Indonesia vào tháng 6/2024 với chủ đề “Phục hưng ngành tôm”. Sự kiện năm nay hội tụ 40% người nuôi tôm quốc tế từ Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Chủ tịch PMI, kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Delta Marine, ông Rizky Darmawan nhấn mạnh ngành tôm cần phải được phục hưng toàn diện bằng đòn bẩy công nghệ, dữ liệu và khoa học.
3 mắt xích quản lý
Để phục hưng ngành tôm, người nuôi cần chú ý quản lý dịch bệnh, trang trại và dinh dưỡng. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm ở châu Á chưa chủ động trong quản lý dịch bệnh. Tiến sĩ Melony Sellars tại Công ty Genics, Australia cho rằng người dân cần phát hiện sớm dịch bệnh, gia tăng an toàn sinh học để nâng cao lợi nhuận trong nuôi tôm. Sellar dẫn chứng, việc phát hiện sớm mầm bệnh tại một trang trại ở Ecuador đã giúp sản lượng tôm giống tăng 50% và sản lượng tôm thương phẩm tăng 10 – 15%.
Các nhà sản xuất châu Á nên nhắm mục tiêu vào thị trường Trung Quốc thay vì Mỹ. Ảnh: Chinahbzyg
Maxime Hugonin, Công ty MixScience Asia khẳng định hỗn hợp axit béo chuỗi ngắn và chuỗi trung bình phá vỡ sự lây nhiễm của vòi phân cực EHP. Thử nghiệm thực địa ở Việt Nam sử dụng hỗn hợp làm lớp phủ, giúp tăng sức đề kháng của tôm và kiểm soát EHP trong ruột.
Hiện, Công ty Teora đang nỗ lực phát triển giải pháp thế hệ mới để quản lý dịch bệnh bởi các giải pháp hiện nay gần như không bắt kịp sự lây lan nhanh chóng của mầm bệnh. Ví dụ, virus đốm trắng (WSSV) đang biến đổi và cần giải pháp mới để ngăn chặn hoặc kìm hãm. Teora đã ứng dụng của nanopeptide thông qua đường uống để quản lý mầm bệnh bằng cách ngăn chặn virus sinh sôi.
Ông Chiow-Yen Liew, chuyên gia từ Công ty DSM chú trọng giải pháp quản lý trang trại để ngăn chặn ao nuôi tôm bị lão hóa, trong đó tập trung vào các yếu tố chất dinh dưỡng tích tụ, sự phân hủy chất hữu cơ đến những thay đổi về đa dạng sinh vật phù du cùng sự biến đổi chất lượng nước. Liew cũng nhấn mạnh tác động liên quan đến phốt pho và nitơ của thức ăn chứa hàm lượng protein thô khác nhau đối với môi trường ao nuôi. Cùng đó, người nuôi tôm cũng cần lưu ý những tác động của khí hậu đến chất lượng nước, như sự thay đổi nhiệt độ nước biển.
Người nuôi tôm đang chịu áp lực do tôm rớt giá và chi phí thức ăn tăng cao. Trước thực trạng này, Tiến sĩ Daranee Seguinđưa ra giải pháp quản lý thức ăn thông qua thành phần thay thế để giảm chi phí, chuyển từ bột cá sang protein thực vật rẻ hơn như DDGS, và cải thiện hiệu quả tổng thể bằng thức ăn chức năng. Indonesia là quốc gia đi đầu trong sử dụng thức ăn có hàm lượng protein thô thấp (30%) để giảm chi phí cũng như tác động lên môi trường ao nuôi.
Theo Tiến sĩ Albert Tacon, cần phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện về dinh dưỡng và sức khỏe tôm. Ông cho biết, 50% sản phẩm thức ăn nuôi tôm hiện nay sử dụng đạm thực vật, kéo theo nguy cơ lượng ăn vào và FCR kém hiệu quả bởi sự xuất hiện của các yếu tố kháng dinh dưỡng và độc tố nấm mốc. Các chất phụ gia có lợi cho sức khỏe nhưng không thể chữa bách bệnh. Keone Dodd, đại diện Công ty AQ1 dẫn đầu công nghệ quản lý thức ăn bằng hệ thống âm thanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp cung cấp thức ăn cho tôm hiệu quả nhất để giảm thiểu lãng phí thức ăn, đồng thời tối đa hóa tốc độ tăng trưởng của tôm.
Đa dạng thị trường
Giá tôm thấp và thuế chống bán phá giá (AD), thuế chống trợ cấp (CVD) áp dụng đối với tôm đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ đã tác động tới thị trường tôm toàn cầu. Lie Ce Yung, Công ty PT Central Pertiwi, cho biết nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận đang tăng lên. Đơn cử, Nhật Bản đang yêu cầu tôm cỡ nhỏ phải đạt chứng nhận BAP và ASC. Indonesia xuất khẩu 209.065 tấn tôm trong năm 2023, chủ yếu là TTCT đông lạnh, trong đó 85% sang thị trường Mỹ. Hiện, các doanh nghiệp đang đề nghị chính phủ hỗ trợ để mở rộng thị trường sang EU.
Chingling Tanco đến từ Mida Trade Ventures, Philippines lưu ý rằng mặc dù Ecuador và Ấn Độ đã tăng sản lượng và còn tình trạng dư cung, ngành tôm Indonesia vẫn trong tọa độ an toàn nhờ giá cổng trại cao. Tuy nhiên, do phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ với sản phẩm tôm lột vỏ nên rủi ro rất cao. Cùng đó, người tiêu dùng ngày càng chú trọng phúc lợi động vật, làm gia tăng áp lực lên nuôi tôm bền vững. Do đó, Hội đồng tôm toàn cầu đã phải phát động chiến dịch kích cầu tiêu thụ tôm thông qua dinh dưỡng, hương vị tươi ngon, dễ nấu,…
Nhu cầu tiêu dùng tôm đã thay đổi trong 5 năm qua, kéo theo xu hướng chuộng hàng chất lượng cao trong lĩnh vực bán lẻ. Hiện, thuế AD và CVD của Mỹ đang là rào cản lớn, buộc các hãng tôm châu Á phải quay lại thị trường nội địa và khu vực. Một số chuyên gia cho rằng, các hãng tôm cần tập trung bán sản phẩm cao cấp và tôm sống tại địa phương. Do chi phí hậu cần và vận chuyển hàng hóa cao, Tanco đề nghị các nhà sản xuất châu Á nhắm mục tiêu vào thị trường Trung Quốc thay vì Mỹ, nơi có nhiều đối thủ mạnh hơn như Ecuador với lợi thế địa lý. Tuy nhiên, hương vị và chất lượng sản phẩm vẫn luôn phải đặt lên hàng đầu. Theo Aris, thị trường Trung Quốc chuộng tôm HOSO, trong khi sản phẩm này ít phổ biến. Tanco nói thêm, các hãng tôm châu Á có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh với các trại tôm quảng canh chuyên sản xuất tôm HOSO của Ecuador, nhất là tại Mỹ và đã đến lúc chúng ta phải tìm hướng tiếp cận mới để đa dạng hóa thị trường.
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn