Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã duy trì tăng trưởng khá, tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 3,77 triệu tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 6,5%, đạt cao nhất trong nhóm các mặt hàng nông sản. Xuất khẩu thủy sản đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, riêng mặt hàng tôm đạt kim ngạch 1,455 tỷ USD.
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng Cục thủy sản cho biết, tồn tại của ngành nuôi trồng thủy sản trong 6 tháng đầu năm là kim ngạch xuất khẩu tôm đã giảm -13,6% tính đến hết ngày 31/5.
Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tăng trưởng 6,7% trong năm 2019. Đây là mục tiêu đòi hỏi ngành phải có những giải pháp đột phá để hoàn thành chỉ tiêu. Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm khi việc thực hiện các giải pháp khắc phục thẻ vàng còn đang gặp nhiều khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ ban hành 5 văn bản chỉ đạo địa phương triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC; tập trung chỉ đạo ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản quyết liệt tham mưu, chỉ đạo chống khai thác IUU, tuy nhiên kết quả triển khai trên thực tế tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu theo 4 nhóm khuyến nghị của EC...
Theo các chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết sẽ tạo thuận lợi hơn cho các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ… khi xuất khẩu sang EU, do tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với EU như: Ấn Độ, Thái Lan.
Nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản sang thị trường chủ lực này sẽ khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm. Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Nhật Bản cũng được dự báo là sẽ tăng trưởng tốt hơn. Với sự nỗ lực của toàn ngành thủy sản, trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản có thể đạt hơn 5 tỷ USD, đưa xuất khẩu cả năm đạt khoảng 9 tỷ USD.
Theo: Thủy Sản Việt Nam