Xuất khẩu tôm: Cơ hội sẽ trở lại

Thứ tư, 06/09/2023 - 04:16 PM      395

Xuất khẩu tôm: Cơ hội sẽ trở lại
(TSVN) - Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Mặc dù hiện nay nhiều khó khăn đang bủa vây ngành tôm, tuy nhiên, theo dự báo của Bộ NN&PTNT, đây chỉ là tình huống nhất thời, cơ hội của ngành tôm sẽ trở lại trong các tháng cuối năm 2023.
 
Sản xuất đối diện nhiều thách thức. 
Báo cáo tại Diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) cho hay, trong 5 năm trở lại đây (2018 – 2022), ngành tôm duy trì diện tích nuôi tương đối ổn định ở mức khoảng hơn 700.000 ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích tôm sú 605.000 ha, tôm thẻ chân trắng 51.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2022. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Ngô Thế Anh, ngành tôm hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu và hạn mặn tại ĐBSCL biến động khó lường, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nguồn giống chưa chủ động, phụ thuộc nhập khẩu và khai thác tự nhiên nên khó kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún còn chiếm đa số, liên kết chuỗi sản xuất, xuất khẩu chưa chặt chẽ và hiệu quả… 


Thị trường xuất khẩu đang có xu hướng tăng dần lên trong những tháng qua. Ảnh: PTC

Cùng chung nhận định này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn cho phát triển nuôi tôm nước lợ. Hơn nữa, hiện nay, ngành tôm được ứng dụng khoa học công nghệ mới trong hầu hết lĩnh vực như sản xuất giống, nuôi thương phẩm và bảo quản chế biến… 

Tuy nhiên, lĩnh vực nuôi tôm nước lợ hiện gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, nổi bật nhất là hạn chế về hạ tầng vùng nuôi, quy mô nông hộ nhỏ lẻ gây khó khăn trong sản xuất. Chi phí giá thành con tôm của nước ta khá cao, so với các nước nằm trong nhóm cạnh tranh trên cùng phân khúc thị trường. Chưa kể, tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường làm thay đổi đột ngột nhiệt độ, lượng mưa, độ mặn, đã ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, khiến nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn trên các ao, đầm. 

Vươn tầm thành công 
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, trong suốt 2 thập kỷ qua, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Hiện, tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường chính là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. 

Việt Nam cũng đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 – 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Theo số liệu của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu tôm không như kỳ vọng. Cụ thể, trong hai quý đầu năm các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam đều giảm. Trong đó, xuất khẩu sang 5 thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đồng loạt giảm 2 con số; giảm mạnh nhất thị trường EU với gần 49%, tiếp đến là Mỹ giảm hơn 38%… so cùng kỳ năm 2022. 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, giảm 32% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhu cầu thị trường, giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu đều đi xuống, lạm phát tăng, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung khác khiến xuất khẩu tôm của nước ta gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và bà con nuôi tôm vẫn đang kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực hơn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu tôm nửa cuối năm nay. 

Tìm những cơ hội mới 
Nhận định về tình hình ngành tôm, nhiều đại biểu đồng nhất ý kiến và cho rằng ngành tôm nước lợ còn nhiều tiềm năng phát triển, thị trường tiêu thụ rộng mở do nhu cầu gia tăng. Thêm vào đó, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nền kinh tế lớn là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết hiện cả nước đã có hơn 370 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm, với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm. Về xuất khẩu, thị trường đang có xu hướng tăng dần lên trong những tháng qua. Theo phân tích của ông Hòa, trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại. 

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Sản lượng tôm Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong khi đó, xuất khẩu giảm tới gần 30%. 

Để đưa xuất khẩu tôm trở lại quỹ đạo tăng trưởng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phải phối hợp chặt chẽ với tham tán thương mại nông sản ở các nước cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại thúc đẩy xuất khẩu; nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do. 

Cùng đó, Thứ trưởng cũng mong muốn các tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong đó có sản phẩm tôm của Việt Nam vào thị trường các nước trong thời gian tới. 

Quan trọng hơn, ngành tôm cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu, bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm… 
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn
Tags:
Ý kiến của bạn