Tăng trưởng cao
Theo số liệu từ VASEP, trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với tổng kim ngạch đạt 1,423 tỷ USD, tăng trưởng 18,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, đáng chú ý, tôm tiếp tục là điểm sáng lớn nhất, đóng góp 542,387 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng 30,8%. Riêng tháng 2/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 231,406 triệu USD, tăng 33,9%.

Xét về mặt hàng, tôm thẻ chân trắng (TTCT) là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành tôm, giá trị kim ngạch xuất khẩu của TTCT trong 2 tháng đầu năm đạt 344 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Tôm sú xuất khẩu 45 triệu USD, giảm nhẹ 5%, còn sản phẩm “tôm loại khác” đạt 216 triệu USD, tăng đến 222%.
Cùng với sự gia tăng về sản lượng, mức giá bán tăng cao cũng đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tôm hai tháng đầu năm. Theo VASEP, giá tôm thẻ chân trắng bình quân tại tất cả thị trường hiện đang ở mức hơn 9 USD/kg, tăng 5%, trong khi giá tôm sú tăng đến 14%, đạt gần 12,8USD/kg.
Xét về thị trường, các thị trường thuộc top đầu vẫn duy trì phong độ đó là Trung Quốc, Mỹ, EU, đây là nơi các hiệp định thương mại như EVFTA đang phát huy hiệu quả. Trong đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ lực của tôm Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt 204 triệu USD, chiếm 34% và tăng 150% so với cùng kỳ. Theo VASEP, mức tăng này đến từ sự đột biến của xuất khẩu tôm hùm. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng trưởng 7%, là mức tăng khiêm tồn nhất so với các thị trường chính của tôm Việt Nam. Hiệp hội cho biết, người tiêu dùng Mỹ đang lo ngại lạm phát cũng như các chính sách thuế nhập khẩu chưa rõ ràng nên giảm chi tiêu cho hải sản.
Năm 2025, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4,3 – 4,5 tỷ USD, tăng trưởng 10 – 15% so với năm 2024. Với kết quả tích cực ghi nhận được trong hai tháng đầu năm, ngành tôm có nhiều triển vọng để đạt, thậm chí vượt mục tiêu đặt ra.
Bình tĩnh vượt khó
Một thông tin không mấy thuận lợi cho xuất khẩu, trong đó có nhóm hàng thủy sản, khi Mỹ có thể sẽ áp mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới. Trước tình hình này, cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản rất hoang mang, lo lắng.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp Môi trưởng tỉnh Cà Mau, một số doanh nghiệp thu mua tôm đang có sự điều chỉnh giá tôm nguyên liệu từ các ao nuôi. Giá tôm bị sụt giảm, chỉ trong 2 ngày 4 và 5/4, giá tôm thẻ chân trắng được ghi nhận trên thị trường trong tỉnh giảm trên 10.000 đồng/kg theo kích cỡ. Hiện tại doanh nghiệp không dám chào giá, ký bán cho các khách hàng Mỹ, một số container còn đang trên tàu biển vận chuyển chưa biết hướng xử lý (đang chờ chốt mức thuế). Một số doanh nghiệp cho biết, các khách hàng Mỹ như Mazzetta, Blue Sea, Limson… yêu cầu tất cả các công ty tại Việt Nam tạm ngưng xuất hàng.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khuyến cáo: “Thời điểm này, người nuôi tôm phải hết sức bình tĩnh, tuyệt đối không hoang mang, tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động về mức thuế. Quan trọng nhất là cần ổn định tình hình sản xuất, không nên thu hoạch sớm, thu hoạch vội, không bán tháo dẫn tới xáo trộn thị trường. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với ngành chức năng để có những giải pháp cần thiết, nhất là áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh trước tình hình khó khăn này. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm thận trọng và cân nhắc trong việc giảm giá thu mua tôm nguyên liệu, do có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị, hội ngành nghề hỗ trợ người dân vượt qua thời điểm khó khăn này”.
Chiều 7/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp với đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ để kịp thời chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế. Tại đây, Bộ trưởng kêu gọi toàn ngành giữ vững sự bình tĩnh, linh hoạt, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn từ bộ ngành và tiếp tục tham vấn ý kiến từ hiệp hội, doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp chủ động trong đàm phán với đối tác phía Mỹ, qua đó tạo tiếng nói chung nhằm tác động đến các cơ quan chức năng nước này.
Theo VASEP, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm khoảng 2 tỷ USD, Mỹ chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thị trường này đang không chỉ giữ thị phần số 1 mà còn có tính định hướng cao đối với ngành thủy sản Việt Nam. Do vậy, mức thuế mới khiến cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hoang mang lo ngại về khả năng mất thị trường lớn này.
Do vậy, VASEP kiến nghị Chính phủ cần đàm phán với Chính phủ Mỹ không áp mức 46% lên tất cả các mặt hàng, cần tách riêng mức thuế áp dụng cho từng mặt hàng theo danh mục hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế tương ứng. Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa là thủy sản được nhập khẩu từ Mỹ – trong đó đặc biệt chú ý tới các sản phẩm chủ lực như tôm, cá ngừ…; vì thực tế nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ Mỹ là không đáng kể và thậm chí gần như không có (ví dụ: cá ngừ). Việc này để có cơ sở đàm phán và đề nghị phía Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu đối ứng là 0% tương tự phía Việt Nam áp dụng cho Mỹ.
Về phía các doanh nghiệp, VASEP khuyến nghị cần cân nhắc kỹ thời gian và kế hoạch xuất hàng để tránh bị áp mức thuế không mong muốn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, cần triển khai các biện pháp tổng thể, kết hợp giữa ngắn hạn và dài hạn, trong đó đặc biệt coi trọng các nỗ lực đàm phán. Các hiệp hội và doanh nghiệp cần phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất vì lợi ích chung của ngành hàng và đất nước. Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để cơ cấu lại thị trường, ngành hàng.
Vân Anh