TSVN) – Theo báo cáo Bộ NN&PTNT ngày 29/5, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,85 tỷ USD trong tháng 5/2023, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 900 triệu USD, giảm 14,4%.
Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông sản trong tháng 5/2023 đạt 2,42 tỷ USD, tăng 27,8%; chăn nuôi đạt 44 triệu USD, tăng 25,5%; thủy sản đạt 900 triệu USD, giảm 14,4%; lâm sản đạt 1,31 tỷ USD, giảm 12,3%; đầu vào sản xuất đạt 178 triệu USD, giảm 16,1% và muối đạt 0,5 triệu USD, giảm 8,6%.
Như vậy, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị giảm so với cùng kỳ năm ngoái: Nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; chăn nuôi đạt 190 triệu USD, tăng 34,5%; thủy sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%; đầu vào sản xuất đạt 779 triệu USD, giảm 25,9% và muối đạt 2,0 triệu USD, giảm 11,9%.
Ảnh: ST
Trong khi nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như: Cà phê 2,02 tỷ USD, tăng 0,2%; rau quả 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%; hạt điều 1,28 triệu USD, tăng 5,5%; thịt, phụ phẩm 58 triệu USD, tăng 59,1%…, nhất là gạo đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49,0%.
Những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái, như: Cao su 799 triệu USD, giảm 24,0%; chè đạt 65 triệu USD, giảm 18,9%; hồ tiêu đạt 414 triệu USD, giảm 9,9%; sắn và sản phẩm sắn đạt 539 triệu USD, giảm 14,3%; cá tra 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm 1,22 tỷ USD, giảm 34,4%, gỗ và sản phẩm gỗ 5,1 tỷ USD, giảm 27,3%; mây, tre, cói thảm 298 triệu USD, giảm 28,4%…
Theo thống kê, hiện tại Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022; Mỹ chiếm 19,8%, giảm 35,2%; Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%. Đặc biệt, các mặt hàng thủy sản được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội triển vọng nhờ vào những thị trường thuộc nhóm các nước có nền kinh tế tăng trưởng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các nước trong khu vực châu Á và Trung Đông.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng.
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com