Ông Bảy Liêm, nhà ở ấp 6, xã Tân Hội Trung kể: “Tháng 4.2016, khi chúng tôi đang chuẩn bị thu hoạch lúa thì một người đàn ông nói giọng Bắc và những người Trung Quốc đến đây bàn việc thuê đất. Họ thuê giá cao gấp rưỡi giá vùng này, là 35 triệu đồng/ha/năm, thời hạn thuê 3 năm, nói để trồng sen. Tôi có hơn 5ha, nhưng không cho thuê vì thấy cách nói chuyện của họ không đáng tin. Nhưng những người hàng xóm của tôi là ông Út Lủi, ông Hai Cạc, ông Ba Liêm thì cho họ thuê khoảng 5ha. Riêng tại vị trí xây dựng kho, họ thuê thêm hơn 20ha nữa, nói là trồng sen”.
Ông Liêm nói thêm: “Điều bất thường là họ muốn lập tức phá bỏ lúa, chấp nhận thuê đất giá cao và bồi thường thiệt hại cho việc phá lúa nên nhiều người dân đã phá luôn lúa rồi giao đất. Doanh nghiệp chịu bồi thường 10 tấn/ha, với giá bán thị trường thời điểm này là 6.000 đồng/kg. Thật không thể tin nổi”.
Được biết, cơ sở trên của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang, do ông Trần Văn Hòa làm Giám đốc. Ngày 6.2, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngay trong Chủ nhật (5.2), Sở này và đại diện các ngành chức năng tỉnh đã đến cơ sở của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang kiểm tra quá trình hoạt động của công ty. Tuy nhiên, toàn bộ cơ sở làm ăn của công ty này vắng tanh không một bóng người.
Gần một năm trôi qua, mảnh đất rộng hơn 5ha giáp ranh đất ông Bảy Liêm không có cây sen nào. Chỉ cho chúng tôi xem mảnh đất bỏ hoang, ông Bảy Liêm kể: “Họ trồng sen rồi đem cái máy cày bự tổ chảng lại để xới bỏ. Họ bơm nước vào rồi lại bơm trở ra, chẳng biết để làm gì.
Hồi trước Tết, tôi đi thăm ruộng thấy bờ ranh giữa ruộng của tôi và dự án của họ có con gì lạ lạ. Tôi dòm kỹ thì thấy nó là con tôm giống như con bò cạp, có màu đỏ. Nó có thể đi kiểu tiến lẫn lùi, hai cái càng lớn búng tách tách. Đưa thử cây mạ vô thì nó kẹp đứt ngang. Kinh dị hơn là hai bên hông mỗi bên có 4 cái càng nhỏ. Tôi gọi là con tôm 10 càng. Tôi thấy ghê quá nên chụp con tôm đem lên báo công an xã”.
Bà Tám Phụng - chủ quán giải khát đối diện trụ sở Công ty Sen Hoàng Giang cho biết, những người đàn ông Trung Quốc đã rời khỏi công ty từ ngày 10 tháng Chạp (Âm lịch). Còn ông Trần Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Sen Hoàng Giang và vợ rời khỏi Tân Hội Trung từ ngày 20 tháng Chạp, nói là về miền Bắc ăn Tết. “Anh Hòa nhờ gia đình tôi buổi tối bật công tắc đèn, ban ngày thì tắt” - bà Tám Phụng nói.
Trao đổi với phóng viên, bà Tám kể thêm: “Ông Sáu Hồng xóm tôi thấy mấy con tôm này bò trên bờ ruộng, bắt thử về nuôi được mấy ngày thì nó chết. Con tôm này nó hung dữ lắm, mấy cái càng cứ kẹp lia lịa à. Nhưng dân cảnh giác lắm, thấy lạ là báo chính quyền liền. Công ty này bỏ nhiều tỷ đồng về đây đầu tư, tới giờ chưa thu lại một cái gì hết”.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết tôm hùm đỏ hay tôm hùm đất là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi. Trường hợp ông Trần Văn Hòa - Giám đốc Công ty Sen Hoàng Giang - nuôi loại tôm này là nuôi một cách lén lút, khi người dân phát hiện thì các cơ quan chức năng đã phối hợp tiêu hủy ngay.
“Tôm hùm đỏ đã bị cấm nuôi từ lâu, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay” - ông Công khẳng định.
Ông Phạm Minh Chí - Phó Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, loài tôm mà ông Hòa nuôi là tôm hùm đỏ (hay tôm hùm đất), tên khoa học là Procambarus clarkii, một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
Theo các tài liệu nghiên cứu, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm. Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.
Theo: báo Dân Việt