Sau thời gian giãn cách dịch COVID-19, xuất khẩu tôm bắt đầu phục hồi. Dù vậy, người nuôi đang đối mặt với nhiều bất trắc từ khâu chọn giống, thức ăn cho đến quy trình nuôi và diễn biến khó lường của thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, Bạc Liêu nhận định: “Năm nào thấy giá cá tra rớt giá là lo. Con tôm cũng vậy, nó theo con cá mà rớt giá. Tôi mới bắt 5 tấn tôm bán với giá chỉ 90.000 đồng/kg. Nếu như các năm trước giá trên 120.000 đồng/kg”.
Theo ông Thanh, giá thức ăn chăn nuôi mỗi năm đều tăng trung bình 15%, nhưng giá tôm chưa bao giờ tăng nhiều đến như vậy. Thậm chí ngày giá đứng ở mức thấp, trong khi con tôm ngày càng khó nuôi.
Đầu vụ tôm năm 2020, nhiều diện tích tôm nuôi của bà con nông dân tại Bạc Liêu, Cà Mau bị thiệt hại trắng. Bên cạnh nguyên nhân chính là thời tiết nắng nóng bất thường thì có một nguyên nhân nữa do nguồn tôm giống kém chất lượng.
Anh Trần Phi Sơn (xã Long Điền, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) cho biết: “Bà con rất quan tâm đến khâu chọn giống, bởi nó quyết định rất lớn đến sự thành công hay thất bại của vụ nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp người nuôi tôm vì ham giá rẻ mà mua nguồn tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc về thả nuôi để rồi phải chịu cảnh thua lỗ, “treo” ao. Mỗi khi bắt tay vào vụ nuôi mới, tôi đều mang mẫu tôm đi kiểm tra trước khi quyết định thả nuôi”.
Với gần 200 cơ sở sản xuất, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 20 tỉ con giống, chiếm 40% sản lượng tôm giống của vùng ĐBSCL và 15% của cả nước, có thể nói, Bạc Liêu là trung tâm sản xuất tôm giống lớn trong khu vực ĐBSCL cũng như cả nước. Tuy nhiên, do diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh lớn nên với số lượng tôm giống như trên vẫn chưa đủ cung ứng mà phải mua thêm con giống từ các tỉnh, thành khác mỗi khi bước vào vụ nuôi mới. Trong khi đó, tôm giống quyết định rất lớn đến việc thành công hay thất bại của vụ nuôi. Vì thế, ngay đầu vụ tôm này, ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống trên địa bàn, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả và phát triển nuôi tôm bền vững.
Sở NNPTNT hiện đang tăng cường quản lý tốt các khâu sản xuất đầu vào (con giống, thuốc nuôi trồng thủy sản…) để giúp bà con nuôi tôm có thể phục hồi lại sản xuất sau khi dịch COVID-19 tạm lắng. Trong đó, đáng chú ý nhất là khâu kiểm tra, kiểm soát chất lượng tôm giống để tránh thiệt hại cho bà con do mầm bệnh có sẵn từ nguồn tôm giống.
Nguồn: Tepbac.com