Tuột giá
Báo cáo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho thấy, năm 2019, giá cá tại ĐBSCL xuống thấp dưới giá thành nhiều tháng liền và thời điểm cuối năm thì nằm ở mức thấp nhất. Nếu năm 2018, giá cá nguyên liệu ở mức 36.000 đồng/kg thì đến đầu năm 2019, giá cao nhất chỉ còn 31.000 đồng/kg; đến tháng 2 bắt đầu giảm dần và hiện chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg. Giá cá nguyên liệu giảm mạnh khiến người nuôi không dám đầu tư vụ mới dẫn đến giá cá giống cũng giảm theo. Năm 2019, giá cá giống ở mức cao vào đầu năm nhưng đến tháng 3 giảm còn 30.000 đồng/kg, hiện nay chỉ ở quanh mức 26.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá giảm do trong năm 2018 giá cá tra tăng chót vót, nhiều hộ nuôi cá tự phát ồ ạt làm nguồn cung tăng mạnh.
Sản phẩm cá tra đã có mặt tại hơn 150 thị trường trên thế giới - Ảnh: Ngọc Trinh
Trở ngại thị trường
Theo ghi nhận của VASEP, cùng với giá giao dịch giảm mạnh, thì thực trạng xuất khẩu cá tra sang một số thị trường lớn như Mỹ, Brazil, Colombia… tiếp tục “chìm sâu trong tăng trưởng âm” đã khiến tổng giá trị xuất khẩu cá tra 11 tháng đầu năm chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11% so cùng kỳ năm 2018. Tại Mỹ và EU, giá trị xuất khẩu cá tra đều giảm, nhất là tại Mỹ giảm mạnh tới 47,7%, còn EU (0,1%) giá trị giảm dần từ mức tăng trưởng dương khả quan từ đầu năm xuống tăng trưởng âm vào cuối tháng 11/2019. Chia sẻ của đại diện doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ không như mong đợi. Do sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường này nên một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam không đạt doanh số như kế hoạch.
Kỳ vọng 2020
Mặc dù tình hình sản xuất cá tra năm 2019 có nhiều “nốt trầm”, nhưng tổng thể, ngành hàng cá tra Việt Nam cũng đón nhận nhiều tín hiệu sáng vào cuối năm, để có thể có những kỳ vọng nhất định vào năm 2020.
Đó là Cục Kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo về việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện tương đương với Mỹ. Cùng đó, là các hiệp định thương mại lớn như EVFTA, CPTPP tạo thuận lợi cho xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiềm năng như EU, Mexico, Canada.
VASEP nhận định, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay.
Ngoài ra, phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực, phát triển thị trường tạo nhiều sản phẩm giá trị gia tăng có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao hơn. Điển hình như, Vĩnh Hoàn với các sản phẩm cá tra ăn liền và collagen-gelatin được ưa chuộng ở Nhật, Mỹ và EU; Nam Việt với surimi và collagen sắp được tung ra thị trường; IDI đang nghiên cứu cá tra xông khói, cá tra đóng hộp và xúc xích cá tra…
Theo: Thủy Sản Việt Nam