Cú hích từ thị trường
Thị trường rộng cửa nhờ thuận lợi hóa thương mại và ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo cú hích để xuất khẩu tôm sang Australia có bước chuyển biến mới.
Australia có xu hướng nhập nhiều các sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng. Ảnh: CTV
CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Trước đó, vào năm 2018, Australia từng là thị trường nhập khẩu thủy sản đứng thứ 9 của Việt Nam, nhưng sau 4 năm thực thi CPTPP, Australia đã trở thành thị trường đơn lẻ đứng thứ 6 của thủy sản Việt Nam.
Trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia tăng trưởng liên tục từ 127 triệu USD năm 2019 lên 272 triệu USD năm 2022 với tỷ trọng trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng từ 3,7% năm 2019 lên 6,3% năm 2022.
Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia không ổn định, tăng giảm thất thường trong 7 tháng đầu năm. Sau đó, trong 2 tháng 8 và 9, xuất khẩu tôm sang thị trường này ghi nhận tăng trưởng nhẹ nhưng sang tháng 10, xuất khẩu lại tiếp tục giảm tuy nhiên mức giảm cũng nhẹ hơn so các tháng trước đó.
Tôm thẻ chân trắng (TTCT) có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sản phẩm tôm của Việt Nam xuất sang Australia, chiếm 95%, tôm sú chiếm tỷ trọng nhỏ 0,2%, còn lại là tôm loại khác chiếm 4,8%. Các sản phẩm tôm chế biến xuất đi thị trường này chủ yếu như há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, TTCT thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, TTCT xiên que đông lạnh…
Hướng tới sản phẩm giá trị gia tăng chất lượng
Cùng với 3 Hiệp định AANZFTA, CPTPP và RCEP giữa Việt Nam và Australia, các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Australia được hưởng ưu đãi thuế 0%. Bên cạnh đó, người Australia ngày càng ưa dùng tôm Việt Nam, từ nhà hàng cho hệ thống siêu thị lớn của Australia cho đến các cửa hàng, siêu thị tiện ích… Thế mạnh của tôm Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường này không chỉ ở chất lượng, khả năng cung ứng, mà còn do trình độ chế biến hàng giá trị gia tăng.
Theo VASEP, Australia cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc – các đối thủ chính của tôm Việt Nam trên thị trường này. Hiện, Australia nhập nhiều các sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng trong khi trình độ chế biến của một số nước xuất khẩu tôm chưa đa dạng sản phẩm chế biến như Việt Nam.
VASEP nhận định, Việt Nam tiếp tục có lợi thế để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này bởi thị trường Australia chỉ nhập khẩu tôm từ khoảng hơn 10 nước trên thế giới. Australia có xu hướng thu hẹp thị trường và tập trung nhập khẩu từ các thị trường chính. Đây là một trong những lợi thế cho các nước cung cấp tôm hàng đầu cho Australia trong đó có Việt Nam.
Thị trường mở rộng cửa cùng với các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội gia tăng xuất khẩu thủy sản sang Australia trong thời gian qua, cũng là tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo VASEP, tính tới 15/11/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt hơn 198 triệu USD, giảm 16% so cùng kỳ năm trước. Dù xuất khẩu tôm sang thị trường này chưa tăng, nhưng mức giảm vẫn nhẹ hơn so với tốc độ giảm sang các thị trường chính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn