4 doanh nghiệp này là: Xí nghiệp thực phẩm Mekong Delta thuộc Cty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ; Cty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam; Cty cổ phần Foodtech; Nhà máy chế biến thủy sản Cty cổ phần Khang Thông.
Đâu chỉ tại người nuôi
Chỉ tính năm 2015, gần 260 lô hàng thủy sản Việt Nam bị các nước nhập khẩu cho “hồi hương” vì hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép. Trong quý I/2016, con số trên là 31 lô, trong đó, 10 lô vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh (Nhật, EU cảnh báo nhiều nhất).
Ông Hồ Quốc Lực – Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) đã từng phải thốt lên rằng: Chưa bao giờ môi trường ở ĐBSCL lại tệ như bây giờ. Môi trường quá bẩn, sông ngòi đều nhiễm chất thải. Người nuôi bắt buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại. Trong khi đó, khi đi tìm nguyên nhân dẫn đến dư lượng thuốc kháng sinh trong thủy sản vượt ngưỡng cho phép, cơ quan quản lý thường đổ lỗi cho người nuôi chưa tuân thủ quy trình. Vậy nhưng, trách nhiệm để các thuốc kháng sinh mặc sức quảng cáo, bán tràn lan thuộc về ai lại rất ít được đề cập. Điều này là không công bằng.
Doanh nghiệp không thể hợp đồng với sáu phòng kiểm nghiệm của Nafiqad là nếu hàng bị trả về thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm.
Kiểm nghiệm nhưng không chịu trách nhiệm
Ông Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) khẳng định, thực tế, quy trình quản lý hàng xuất khẩu của Bộ NN – PTNT đang có vấn đề. Ví dụ khi xuất đi EU, Nafiqad kiểm tra cả quá trình sản xuất chế biến, từ nguyên liệu đầu vào nhà máy, đến chế biến, đóng gói và xuất khẩu, nếu đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ được cấp code xuất khẩu đi châu Âu. Trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm xuất khẩu, Nafiqad lại lấy mẫu ngẫu nhiên trên từng lô hàng theo tỷ lệ quy định và nếu lô hàng đạt chất lượng, Nafiqad sẽ cấp cho một chứng thư an toàn vệ sinh thực phẩm (health certificate) để doanh nghiệp được xuất khẩu.
Nhưng có một nghịch lý, mặc dù kiểm tra chặt như vậy, và doanh nghiệp phải chịu chi phí kiểm tra từ đầu tới cuối khi xuất khẩu lô hàng, nhưng chứng thư của Nafiqad lại quy định họ chỉ chịu trách nhiệm với mẫu họ kiểm tra. Như vậy, nếu lô hàng bị trả về, Nafiqad hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì. Đây là quy định hoàn toàn vô lý, một quy định bất cập mà cộng đồng doanh nghiệp đã đấu tranh với Nafiqad để thay đổi nhiều năm nay.
Ông Dũng lấy ví dụ như ở Mỹ, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chỉ có một phòng thí nghiệm để kiểm chứng duy nhất tại Denver và chỉ kiểm nghiệm khi có tranh chấp và nảy sinh nhu cầu tái kiểm chứng. Mẫu của các lô hàng xuất nhập khẩu thông thường được kiểm tra tại các phòng thí nghiệm tư nhân độc lập đã được FDA cấp giấy phép. Nếu lô hàng xuất đi và bị trả về thì phòng kiểm nghiệm tư nhân chịu trách nhiệm về thiệt hại cho doanh nghiệp. Làm như vậy bộ máy của FDA vừa đỡ cồng kềnh, và đỡ tốn kém cho doanh nghiệp và có người chịu trách nhiệm về kết quả kiểm lô hàng.
Trong khi đó tại Việt Nam, Nafiqad có sáu phòng kiểm nghiệm, xét về trang thiết bị có thể kém những phòng kiểm nghiệm tư nhân độc lập khác, nhưng lô hàng của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chỉ có thể được kiểm nghiệm ở những phòng kiểm nghiệm tư nhân khi Nafiqad yêu cầu. Hơn nữa, các doanh nghiệp không thể hợp đồng với sáu phòng kiểm nghiệm của Nafiqad là nếu hàng bị trả về thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm.
Theo: CAFE F