Thu tiền tỷ từ sản xuất giống nhuyễn thể

Thứ tư, 24/04/2019 - 03:33 PM      548

Trại giống của anh Trần Văn Vỵ ở số 136, đường Chi Lăng, P.12, TP Vũng Tàu chuyên sản xuất con giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ mỗi năm thu lãi cả tỷ đồng. Ngoài sản xuất giống hàu sữa (hàu Thái Bình Dương), anh Vỵ còn nghiên cứu sản xuất thành công giống nghêu hai vòi (sò mía).

Anh Trần Văn Vỵ giới thiệu về giống nghêu hai vòi  Ảnh: Trọng Hoàng

Thành công từ hàu sữa giống

Đến khu phố Hải Đăng hỏi anh Vỵ nuôi hàu sữa thì ai cũng biết; bởi hàu sữa được nuôi tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu và khu vực Hội Bài thuộc xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ phần lớn đều được anh cung cấp.

Đúng hẹn, tôi gặp anh tại cơ sở sản xuất, anh Vỵ kể: Năm 2014 anh xin nghỉ việc ở Trung tâm Quốc gia Giống hải sản Nam Bộ về sinh sống và xây dựng cơ sở sản xuất hàu sữa giống tại địa chỉ số 136, đường Chi Lăng, P.12, TP Vũng Tàu. Mặc dù đã có kinh nghiệm trong sản xuất giống hải sản, nhưng khi chuyển sang sản xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ anh cũng gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ sống của ấu trùng hàu sữa còn thấp, ấu trùng hàu bám vào giá thể ít, anh Vỵ cũng phải trải qua vài ba đợt thử nghiệm mới nắm bắt được quy trình sản xuất ổn định; trong đó có cả quy trình cấy giống và nuôi sinh khổi tảo đơn bào làm thức ăn cho ấu trùng hàu.

Anh Vỵ cho biết, quy trình sản xuất hàu giống không phải như nuôi các đối tượng trên cạn. Hàu bố mẹ được tuyển chọn phải cách xa vùng địa lý để tránh sự trùng huyết, hàu phải đảm bảo chất lượng về ngoại hình, tuyến sinh dục có màu trắng sữa chứa đầy nội tạng thì mới cho kích thích sinh sản. Trứng thụ tinh được chuyển vào các bể, có dung tích 5 m3 để ương ấu trùng từ giai đoạn đỉnh vỏ thẳng đến giai đoạn đỉnh vỏ lồi có điểm mắt và chuẩn bị bám. Mật độ ương trong những ngày đầu 15 - 20 ấu trùng/ml nước, sau 5 - 7 ngày san thưa xuống còn 10 - 12 ấu trùng/ml và sau 20 ngày ương với mật độ 5 - 7 ấu trùng/ml. Khi thấy ấu trùng ở giai đoạn hậu ấu trùng đỉnh vỏ, trên 80% lượng ấu trùng trong bể đã có điểm mắt và chân đã hoạt động, kích thước trên 300 µm. Lúc này sử dụng vỏ hàu làm mảnh bám đã được vệ sinh, sát trùng, xâu thành chuỗi, mỗi chuỗi 100 mảnh treo hết vào toàn bộ diện tích mặt nước bể để cho ấu trùng hàu bám. Sau khoảng 20 ngày kể từ khi treo mảnh bám là có thể xuất bán con giống cho người nuôi thương phẩm.

Hàng ngày, anh Vỵ cho ấu trùng hàu ăn 2 lần. Thức ăn giai đoạn đầu là các tảo hiển vi như Nannochloropsis sp, Chlorella sp. Từ ngày thứ 5 trở đi, cho hàu ăn các loài tảo lớn hơn như Chaetoceros sp  và  Skeletonema có dạng chuỗi. Tảo được nuôi trong các túi nilon hoặc các bể có dung tích 2 m3. Sục khí liên tục. Bằng mắt thường thấy tảo có màu khuê đậm (mật độ tế bào trong khoảng 500 nghìn đến 1 triệu tb/ml) là có thể bơm vào bể ương để làm thức ăn cho ấu trùng hàu.

Hy vọng nghêu hai vòi

Thành công từ sản xuất hàu giống, nhưng với niềm đam mê tìm tòi cái mới, anh Vỵ không dừng lại ở đó mà tiếp tục nghiên cứu sản xuất con giống nghêu hai vòi một đối tượng thủy sản mới, có giá trị kinh tế cao đang được người dân nuôi lồng bè do chúng có hình thức nuôi nuôi đơn giản, chu kỳ ngắn và đầu tư ít.

Anh Vỵ cho biết cũng như ấu trùng hàu, nghêu hai vòi khi ở giai đoạn ấu trùng thì sống trôi nổi, nhưng khi phát triển thành con giống cấp 1 chúng chuyển dần xuống ở đáy và vùi mình trong cát. Nắm bắt được đặc điểm sinh trưởng này, cuối năm 2018, anh Vỵ đến Cam Ranh và Ninh Thuận chọn mua 15 kg nghêu bố mẹ (loại 30 con/kg) về cho đẻ và ương nuôi thành con giống cấp 1. 

Hiện, cơ sở của anh Vỵ có khoảng 3 triệu con giống nghêu cấp 1 đang đợi khách hàng, nếu bán được với giá thấp nhất khoảng 15 đồng/con (có thời điểm lên 45 đồng/con); trừ chi phí anh lãi khoảng 35 triệu đồng. “Chi phí cho sản xuất con giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ chủ yếu là chi phí mua bố mẹ, còn thức ăn của chúng là tảo thì mình tự sản xuất nên ương tỷ lệ sống càng cao thì lợi nhuận càng nhiều” anh Vỵ chia sẻ.

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin xem nhiều
Dự đoán các bệnh khi tôm bỏ ăn
Thứ hai, 28/10/2024 - 09:30 AM
102