Rộn ràng thả giống
Tại Ninh Bình, những năm qua, diện tích nuôi tôm trong nhà kín vào vụ đông đã tăng lên nhanh chóng, nếu như những năm 2016 chỉ có một vài hộ thí điểm thì nay diện tích này đã tăng lên khoảng 100 ha. Anh Phạm Văn Học ở xóm 4, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn cho biết, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh đã bỏ ra gần chục tỷ đồng đầu tư xây dựng 7 ao nuôi tròn lót bạt, mỗi ao có diện tích khoảng 450 m2, trên có mái che hình chóp nón sử dụng khung cáp chịu lực với 3 lớp lưới, nilon che phủ. Do vậy, ao nuôi có khả năng chống rét, giữ ấm về mùa đông, nhiệt độ luôn đảm bảo cho con tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ đông năm nay, anh thả gối lứa khoảng 60 vạn giống, đảm bảo có tôm bán rải rác từ quanh Tết Nguyên đán đến hết tháng 4 dương lịch năm sau.
Năm nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do môi trường, dịch bệnh, rét đậm kéo dài tôm nuôi chậm lớn. Song, xác định đây cũng là cũng cơ hội để người nuôi tôm có lãi, bởi nhu cầu thị trường tăng, giá bán cao nên bà con nuôi tôm huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) khắc phục khó khăn mở rộng diện tích. Vụ đông này, ngoài 10 ha ao đầm trong nhà lưới, huyện Diễn Châu còn có khoảng 90 ha ao đầm ngoài trời được nuôi thả tôm thương phẩm. Do người dân có kinh nghiệm với nghề nuôi tôm nên không thả một lần, mà rải vụ, vì vậy thường xuyên có tôm bán với giá cao hơn nhiều so với tôm vụ chính.
Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, giá tôm tăng khiến nông dân vui mừng, rộn ràng thả giống vụ tôm mới phục vụ thị trường cuối năm và năm mới. Ông Phan Đức Đạt (ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cho biết, nếu bình thường ông thả tôm 9 ao thì vụ cuối năm này ông tăng thêm 3 ao thành 12 ao với khoảng 1,4 triệu con giống. “Tôm nuôi vụ đông thường dễ bị bệnh đốm trắng. Do vậy, chúng tôi phải chú trọng phòng ngừa dịch bệnh, xử lý kỹ nguồn nước đầu vào qua hệ thống các ao lắng và diệt khuẩn trong ao nuôi. Nuôi với mật độ thưa trong hệ thống nhà màng để giữ nhiệt độ ổn định, ít chênh lệch giữa ngày và đêm, cũng như tăng cường vitamin trong thức ăn để tăng sức đề kháng cho con tôm”, ông Đạt thông tin. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tổng sản lượng tôm nuôi trong tháng 11/2023 trên toàn tỉnh ước tính đạt 1.012 tấn, tăng gần 6% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm sú là 160 tấn, TTCT 852 tấn. Tổng sản lượng tôm nuôi 11 tháng 2023 đạt 9.141 tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm trước.
Cẩn trọng trong sản xuất
Nuôi tôm vụ đông tuy mang lại hiệu quả cao nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn. Bởi do nhiệt độ xuống thấp trong nhiều tháng khiến con tôm hạn chế bơi lội, thời gian sinh trưởng dài hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn giảm. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn cũng tác động đến nhiệt độ, độ mặn, pH, kiềm trong nước… khiến tôm khó thích nghi, tăng trưởng kém, miễn dịch giảm, tiềm tàng nhiều rủi ro, thiệt hại.
Cùng đó, chi phí đầu tư lớn và thời gian nuôi cũng dài ngày hơn so với các vụ nuôi khác trong năm. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi Đỗ Thị Thu Đông cho biết, nuôi thủy sản nước lợ trong vụ đông nếu thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn, nhưng không phải khu vực nào cũng có thể triển khai. Khu vực nuôi tôm vụ đông phải là vùng triều cao để tránh ngập lụt, đáy cát và độ sâu ao bảo đảm điều kiện sinh trưởng phát triển của tôm, ốc hương. Chính vì vậy, toàn tỉnh có trên 1.300 ha nuôi thủy sản nước lợ, nhưng chỉ có khoảng 300 ha đủ điều kiện nuôi thủy sản vụ đông, tập trung tại các huyện Bình Sơn, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.
Hiện, một thực trạng chung là các tỉnh phía Bắc vào mùa đông lạnh, nên rất khó khăn trong việc sản xuất giống, dẫn đến nhiều địa phương không chủ động được nguồn giống. Do đó, để đảm bảo an toàn, ngành chức năng các địa phương khuyến cáo người nuôi tôm cần lựa chọn con giống bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Một vấn đề quan trọng nữa là phải kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống bằng cảm quan, thông qua kính hiển vi hoặc bằng các kỹ thuật hiện đại… Đồng thời, thực hiện đúng kỹ thuật thả giống, kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi, bảo đảm sức khỏe đàn tôm giống. Ngoài ra, cần tuân thủ đúng khung thời vụ. Khuyến khích đầu tư nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi trong nhà màng, bể nổi, công nghệ nuôi tôm 2, 3 giai đoạn.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Chi cục Thủy sản Ninh Bình cho biết, quản lý ao nuôi mùa lạnh cần đặc biệt lưu ý ôxy hòa tan, khí độc NO2. Quản lý độ kiềm ở mức 120 – 150 ppm. Nguồn nước bổ sung hoặc thay phải xử lý sạch. Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo, do thời vụ thả nuôi tôm đông bắt đầu từ cuối tháng 8 đến tháng 2 năm sau, thường phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến đổi phức tạp của thời tiết, nên các hộ chỉ nuôi khi đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất. Đồng thời, phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thì sản xuất mới đạt hiệu quả cao.
>> Để giúp người nuôi đạt hiệu quả trong nuôi vụ đông, trước khi bước vào thả nuôi, ngành chuyên môn đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi về phương pháp nuôi, xử lý ao đầm, phòng, chống dịch bệnh...