Ngành tôm Việt Nam, bên cạnh những sản phẩm sơ chế, cũng có những sản phẩm giá trị gia tăng có vị thế trên thị trường. Ảnh: TL.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 trong nước đang ảnh hưởng nặng nề tới việc sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng. Các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào cũng như các hoạt động nuôi trồng, thu mua, chế biến của nông dân và các doanh nghiệp bị đình trệ, đứt gãy.
Nếu không có những giải pháp khẩn trương tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay, ngành thủy sản sẽ khó có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8,8 tỷ USD trong năm 2021.
Bên cạnh đó còn tạo ra nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu vào những tháng cuối năm, làm đứt gãy hoạt động chế biến, xuất khẩu khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường sau dịch Covid-19.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Trần Đình Luân, việc đưa ra những phương án, giải pháp tháo gỡ cho các nhà máy chế biến là rất cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề người nông dân phải được duy trì sản xuất, phải có thu nhập.
Ông Luân cũng cho biết, ngay từ tháng 7, tháng 8 vừa qua, hệ thống sản xuất giống đã bị giảm công suất từ 30 - 40%. Lượng xuống giống tại một số địa phương cũng giảm đến 40%.
Vì việc xuống giống bị giảm sút nên hiện nay lượng giống đang dư thừa. Tổng cục Thủy sản đã đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp cần hỗ trợ giống cho người dân để bà con chăn nuôi có giống để khôi phục sản xuất.
“Theo đó, ngành nông nghiệp đã có những thống kê, đánh giá lại lượng tôm bố mẹ còn bao nhiêu, có đủ đảm bảo sản xuất hay không… Hiện nay các trại giống đang duy trì trên 55.000 con tôm bố mẹ, đủ để cung cấp giống cho các tháng nuôi tiếp theo”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.