Quy định thủy sản xuất khẩu qua lối mở sang Trung Quốc

Thứ sáu, 13/09/2019 - 02:49 PM      539

Thời gian qua, Trung Quốc liên tục có nhiều thay đổi về xuất khẩu hàng hóa vào nước này, để các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng thích ứng, các cơ quan chức năng đã cập nhật liên tục những thay đổi đó.

Cụ thể, ngày 20/8 vừa qua, Sở Công thương TP Hải Phòng ra văn thông báo, hướng dẫn các quy định về xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản vào thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Các doanh nghiệp cần cập nhật những thay đổi về xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc để xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này - Ảnh: ST

Về hàng hóa thủy sản, hiện nay danh mục hàng thủy sản Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối mở/cặp chợ là 137 loại. Theo đó, danh sách nêu rõ giá của từng mặt hàng tính theo đơn vị kilogam, lấy đó làm căn cứ để tính giá trị, khối lượng hàng hóa cư dân biên giới được hưởng chính sách miễn thuế (dưới 8.000 CNY/ngày) theo quy định của Chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ để chuẩn bị các điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu, đồng thời chủ động bàn bạc với đối tác nhận hàng Trung Quốc để tính toán khối lượng hàng hóa cho phù hợp để hưởng chính sách miễn thuế khi xuất hàng qua lối mở Km3+4 Hải Yên đi qua cầu phao tạm trên sông Ka Long vào cặp chợ biên giới của thành phố Đông Hưng (Quảng Tây - Trung Quốc). Đối với thông số ghi trọng lượng trên nhãn mác, đề nghị doanh nghiệp chụp ảnh khi cân hàng trước khi đưa vào cấp đông và cân sau khi cấp đông làm bằng chứng để Hải quan Đông Hưng) xử lý thủ tục thông quan được nhanh chóng.

Cùng với đó, nắm bắt những thủ tục cần thiết để thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua cặp chợ biên giới, bao gồm: Sản phẩm xuất khẩu phải là của các doanh nghiệp Việt Nam được cấp mã doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc (do Cục Quản lý chất lượng hàng nông lâm sản và thủy sản - NAFIQAD cấp) và chứng thư kiểm dịch của các chi nhánh NAFIQAD cấp.

Ngoài ra, bao bì phải được đóng gói chắc chắn, đồng nhất 1 loại; nhãn in trên bao bì phải thống nhất tại 1 vị trí đối với 1 loại hàng hóa và phải được in trước khi đóng gói hàng hóa; nhãn mác từng loại hàng hóa phải thể hiện đầy đủ tên và các thông số khác, in trên thành và lắp đầu được; riêng thông số ngày sản xuất và số lô được phép đóng dấu sau khi in cho phù hợp với ngày sản xuất và số lô của lô hàng nhưng phải rõ nét, không được nhòe, mờ; tuyệt đối không được dán nhãn mác dưới mọi hình thức. Đối với hàng tươi sống phải bảo quản, đựng trong khay nhựa phải in nhãn chìm trên tấm nhựa của khay (nắp hoặc thành đều được)…
Theo: Thủy Sản Việt Nam

Tags:
Ý kiến của bạn