Gần 3.000 công dân Trung Quốc đến Hà Nội tháng Tết
Chiều 5/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì họp trực tuyến với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện phòng chống dịch bệnh do virus corona (nCoV) gây ra.
Báo cáo tại cuộc họp, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, đến nay, đon vị đã có các kế hoạch, gửi các văn bản chỉ đạo các đơn vị của CATP cũng như công an các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt các kế hoạch của Chính phủ và thành phố.
Trong đó, đã chỉ đạo các đơn vị xuất nhập cảnh từ Công an TP đến cơ sở để quản lý cư trú các đối tượng người nước ngoài.
Cụ thể, từ 1/1/2020 đến 10h ngày 5/2, có 2.937 công dân ở Trung Quốc đến tạm trú trên địa bàn Hà Nội tại 1.259 cơ sở lưu trú. 126 người Trung Quốc đã quay trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 trên tổng số 1.474 người Trung Quốc đầu tư, lao động, học tập tại thành phố Hà Nội.
"Đáng chú ý, trên địa bàn có 7 người Trung Quốc nhập cảnh chưa qua 14 ngày, hiện nay đang được cách ly tại nhà riêng và nơi làm việc", ông Hùng nói.
Trước diễn biến phức tạp, lợi dụng dịch bệnh để gây mất ổn định an ninh trật tự công an thành phố đã chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình phát hiện các đối tượng chống đối, kích động, đưa tin đồn thất thiệt, tuyên truyền thông tin sai sự thật.
"Hiện CATP đã xử lý 2 trường hợp đăng tin bài sai sự thật trên facebook cá nhân tại Thạch Thất và Chương Mỹ", ông Hùng nói.
Đồng thời, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với các lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Cơ quan thuế tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tung tin thất thiệt, tạo ra sự khan hiếm các mặt hàng về y tế cũng như buôn bán các mặt hàng giả liên quan đến phòng, chống dịch nhưu khẩu trang.
"Mới đây, Công an quận Thanh Xuân phối hợp với Cục Quản lý thị trường phát hiện 47 thùng khẩu trang y tế chuẩn bị vận chuyển đi Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Sau đó, chúng tôi đã có những đề xuất để xử lý", Phó Giám đốc công an thành phố nói.
Cũng theo ông Hùng, công an Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hành vi buôn bán, mua nhốt động vật hoang dã, nhất là những động vật tổ chức y tế thế giới xác định là mầm mống gây bệnh.
Đối với các cán bộ trực tiếp làm công tác tại điểm có nguy cơ gây dịch, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, hiện nay công an thành phố đã xin phép Bộ Công an và được phép cho lực lượng công an thành phố sử dụng khẩu trang.
Ngoài ra, theo ông Đoàn Ngọc Hùng cũng cho hay, đối với nội bộ, bệnh viện công an thành phố cũng đã thành lập đội phòng chống dịch, nếu cán bộ chiến sĩ có mắc bệnh thì có nơi cách ly và xử lý.
Bệnh viện cũng chuẩn bị khu cách ly ở Hà Đông để khi thành phố có yêu cầu giao thì xử lý; đồng thời ký hợp đồng mua 300.000 khẩu trang, các vật tư y tế; phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật của thành phố để phun thuốc khử trùng trong các đơn vị thuộc công an thành phố và cũng đã phun xong thuốc khử trùng tại 2 trại tạm giam của công an thành phố.
Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi từ dịch bệnh
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến 15h ngày 5/2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV.
Hiện Hà Nội đang tiến hành giám sát tại bệnh viện 37 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus nCoV (7 trường hợp đến từ Vũ Hán, 26 trường hợp đến từ các vùng khác của Trung Quốc, 4 trường hợp công tác tại sân bay Nội Bài).
Trong đó, số trường hợp đã xét nghiệm âm tính với nCoV là 31. Số trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm và tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ là 6 người (5 trường hợp ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 1 trường hợp ở Bệnh viện Đống Đa).
Phát biểu chỉ đạo Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, Hà Nội có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh vì người Trung Quốc lưu trú trên địa bàn nhiều, gồm cả học sinh, công nhân trong các công trường, khách du lịch…
Hà Nội cũng là điểm trung chuyển qua sân bay Nội Bài, đường bộ, có người dân tham gia lao động ở các tỉnh biên giới Trung Quốc…
Vì thế, cần làm tốt công tác này, để các đối tượng phải cách ly tự giác trao đổi thông tin, có biện pháp cách ly cần thiết.
"Liên quan đến các cơ sở sản xuất các trang thiết bị cho phòng ngừa, phòng chống dịch, đặc biệt đối với 3 mặt hàng rất quan trọng là khẩu trang, các chất tẩy rửa, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ.
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và Công an TP tăng cường kiểm tra, xử lý theo đúng quan điểm của Thủ tướng là phải xử nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi ở đợt dịch bệnh này", ông Chung yêu cầu.
Người đứng đầu UBND TP cũng chỉ đạo, Sở Công Thương phải họp các đơn vị, rà soát nguồn cung nguyên vật liệu, đảm bảo sản xuất đủ khẩu trang theo nhu cầu và dự trữ.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, qua rà soát về cơ sở vật chất, thành phố đủ khả năng cách lý 3.500 trường hợp. Ngoài ra, thành phố có thể nâng cấp, bổ sung để đảm bảo có khả năng cách ly tới 8.000 trường hợp.
Về việc sẵn sàng đón nhận người Việt Nam trở về từ các vùng có dịch, Chủ tịch Hà Nội đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô chuẩn bị đầy đủ về địa điểm, phun khử trùng tiêu độc, chuẩn bị y tá, bác sĩ, tập huấn, các trang thiết bị cần thiết, tập huấn phương án điều trị mới nhất.
"Về việc xây dựng bệnh viện dã chiến, Thủ tướng đã giao cho quân đội thực hiện. Bí thư Thành ủy cũng thống nhất giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô nên cần lên phương án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết ngay từ bây giờ", ông Chung nói lưu ý.
Theo:soha.vn