Để phát triển mạnh loài tôm này theo hướng bền vững, khắc phục tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp trên đàn tôm nuôi, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc”, giai đoạn 2019 - 2021.
Dự án được triển khai với tổng diện tích 2,886ha, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chiếm 2.860 m2; giai đoạn 2 chiếm 2,6 ha tại 2 địa phương là Hải Phòng và Nam Định. Có 8 hộ được chọn, trong đó Hải Phòng 5 hộ có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng nằm trong quy hoạch, định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương, có đủ điều kiện thực hiện mô hình được chọn.
Với mô hình này, giai đoạn 1, tôm được ương trước khi thả ra ao nuôi. Ao ương dưỡng với diện tích nhỏ, nên việc quản lý chặt chẽ hơn, nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Môi trường ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, nên tỷ lệ tôm sống cao, ít dịch bệnh, tôm phát triển khỏe mạnh, công tác xử lý ao cũng ít tốn chi phí hơn.
Bước sang giai đoạn 2, tôm sau 30 ngày tuổi đạt kích cỡ 700 - 800 con/kg sẽ san qua ao nuôi bằng phương pháp xả ống, lúc này tôm đã vượt qua giai đoạn thường mắc các bệnh nguy hiểm do có sức đề kháng cao. Dự kiến sau 2 - 2,5 tháng nuôi tại ao nuôi tôm đạt trọng lượng 50 - 60 con/kg sẽ xuất bán ra thị trường.
Bên cạnh việc triển khai mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, quá trình thực hiện, Ban Chủ nhiệm dự án quan tâm tăng cường hoạt động thông tin tin tuyên truyền công tác quản lý, nhất là nâng cao chất lượng giống, kiểm soát tốt dịch bệnh, môi trường nuôi… để tiếp tục phát triển mạnh, ổn định nghề nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh.
Áp dụng mô hình này giúp nâng cao năng suất tôm nuôi, giảm ô nhiễm nước, tạo nguồn thức ăn và hỗ trợ công tác phòng bệnh ở tôm.
Sau 1 năm triển khai, ngoài năng suất và sản lượng tôm nuôi đều vượt kế hoạch đặt ra, dự án mang còn mang lại lại hiệu quả xã hội, môi trường như: dịch bệnh được kiểm soát tối đa, tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm được hạn chế, tăng tỉ lệ sống của tôm nuôi, chất lượng sản phẩm cao hơn…
Cụ thể, năng suất tôm đạt 18,47 tấn/ha, sản lượng đạt 48,04 tấn, tỷ lệ sống đạt 76%, hệ số thức ăn giảm 15% so với nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh thông thường. Đối với 5 hộ nuôi tôm theo mô hình dự án tại Hải Phòng, sau khi hạch toán thu chi, lợi nhuận đạt 1.492.685.000 đồng/1,5 ha, lãi bình quân đạt 995.123.000 đồng/ha. Các hộ nuôi theo dự án ở Nam Định, lãi tuy thấp hơn Hải Phòng nhưng bình quân cũng đạt trên 900 triệu đồng/ha.
Theo bà Đặng Thị Thanh – Chủ nhiệm dự án: Công nghệ biofloc là tập hợp các loại vi sinh vật khác nhau, chủ yếu là các chủng vi khuẩn có lợi, kết lại thành khối bông, xốp, màu vàng nâu, với trung tâm là hạt chất rắn lơ lửng trong nước.
Phương pháp này giúp giải quyết được 2 vấn đề cốt lõi hiện nay là loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng xử lý nước ao nuôi, sử dụng biofloc làm thức ăn giàu chất dinh dưỡng bổ sung tại chỗ cho các loài nuôi (tôm nuôi) giúp giảm chi phí thức ăn, tăng năng suất.
Ngoài ra, một số các axit béo có mặt trong biofloc là tác nhân sinh học giúp loài nuôi kháng bệnh, sản phẩm sản xuất đảm bảo ATVSTP, nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích nuôi…
“Để hạn chế dịch bệnh, rủi ro, hạn chế việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm thì ứng dụng Biofloc trong nuôi trồng thủy sản được coi là phương pháp tiếp cận công nghệ sinh học theo hướng mới, dựa trên nguyên lý cơ bản của bùn hoạt tính dạng lơ lửng (AST)”, bà Đặng Thị Thanh chia sẻ.
Tôm nuôi an toàn thực phẩm, được giá.
Được biết, bên cạnh việc nuôi tôm theo 2 giai đoạn rất nghiêm ngặt theo quy trình và tuyên truyền phổ biến cho các hộ dân, Trung tâm Khuyến nông của Hải Phòng và Nam Định đã giới thiệu liên kết các điểm thực hiện mô hình với các doanh nghiệp để tiêu thụ lượng tôm thương phẩm tạo ra. Điều này giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng “khó tính” và khắt khe của thị trường, nhất là xuất khẩu.
Tôm thẻ chân trắng là một trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực được quy định tại Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg ngày 13-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU và tôm chân trắng là sản phẩm chiếm vai trò chủ đạo trong cơ cấu tôm xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình khoảng 700 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, hiện tại, người nuôi tôm ở Hải Phòng đang trong tình trạng khá lao đao do dịch bệnh và môi trường nhiều biến đổi.
Do vậy, sự thành công của dự án này đã mở ra một cơ hội mới nâng cao năng suất cho ngành tôm nuôi, đồng thời cũng góp phần xử lý chất thải, giảm ô nhiễm nước, tạo nguồn thức ăn và hỗ trợ công tác phòng bệnh ở tôm cho các hộ dân ở Hải Phòng và Nam Định nói riêng và cả nước nói chung.
Mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Biofloc được nhiều nước trên thế giới áp dụng rất phổ biến, tại Việt Nam từ năm 2018 các địa phương giáp biển hầu như đều áp dụng mô hình nuôi tôm này. Thông thường năng suất của các ao nuôi tôm chỉ đạt 24 - 25 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, nếu áp dụng công nghệ Biofloc có thể đạt tới 38 - 49 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, nuôi tôm bằng công nghệ này cho thấy, chi phí sản xuất giảm 15 - 20%, năng suất, kích thước tôm khi thu hoạch đều được cải thiện và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp do không cần phải thay nước.
Theo:tepbac.com