Diện tích và sản lượng tăng
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thả nuôi 665.500 ha tôm nước lợ, tăng 1,5% so cùng kỳ nhưng sản lượng tôm thu hoạch tăng đến gần 5% khi đạt 591.500 tấn, góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,63 tỷ USD, tăng 5,8% so cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng tôm tăng chủ yếu là do số diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh tăng khá.
Nhiều hộ nuôi đã bắt đầu thả giống với hy vọng giá tôm sẽ tốt hơn trong giai đoạn cuối năm. Ảnh: XT
Tại tỉnh Cà Mau, nơi có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất cả nước, với gần 280.000 ha, hiện 272.000 ha nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến cơ bản đã thả giống dứt điểm với đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú. Riêng diện tích 6.665,33 ha nuôi TTCT thâm canh và siêu thâm canh đến nay cũng đã thả nuôi trên 95% kế hoạch, góp phần đưa tổng sản lượng tôm nuôi của Cà Mau trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 113.000 tấn. Còn tại tỉnh Trà Vinh, số diện tích đã thả nuôi ước đạt khoảng 26.500 ha, sản lượng thu hoạch ước khoảng 43.487 tấn. Đặc biệt, diện tích nuôi TTCT thâm canh mật độ cao của Trà Vinh đầu năm đến nay đã tăng gấp 2 lần so cùng kỳ khi đạt 1.592 ha. Riêng Sóc Trăng, nơi có diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh lớn nhất cả nước, số diện tích thả nuôi 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 30.000 ha, giảm gần 4% so cùng kỳ, nhưng sản lượng tôm thu hoạch lên đến gần 55.000 tấn, tăng 1,34% so cùng kỳ.
Tiếp tục gặp khó
Hiện các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, đây được xem là một thách thức không nhỏ đối với người nuôi tôm. Bởi thời điểm này, việc quản lý, chăm sóc ao tôm luôn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tượng mưa lớn kéo dài làm môi trường ao nuôi biến động, mầm bệnh có cơ hội lây lan và xâm nhập gây khó khăn cho sinh trưởng và phát triển của tôm. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng nước, sức khỏe tôm và thậm chí có thể làm tôm chết hàng loạt.
Đó là chưa kể, một số mầm bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, phân trắng và nhất là nguồn bệnh từ EHP vẫn còn lưu hành tại hầu hết các vùng nuôi, khiến cho vụ nuôi từ nay đến cuối năm sẽ càng thêm khó. Đây là điều đáng lo bởi giá tôm gần đây bắt đầu tăng lên, đảm bảo được mức lợi nhuận cho người nuôi, nên một số hộ nuôi cũng đang rục rịch thả giống.
Theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, nuôi tôm vụ này rất khó, vì ngoài yếu tố mưa bão thất thường thì dịch bệnh rất nhiều, nhất là bệnh EHP do ảnh hưởng nước từ thượng nguồn và trời mưa. Liên quan đến bệnh EHP, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, EHP gần như xuất hiện quanh năm, nên đây cũng là một mối nguy thường trực đối với người nuôi tôm vì EHP rất khó diệt mà chỉ có phòng là chính. Sự nguy hiểm lớn nhất của EHP ở chỗ không làm tôm chết nhanh, chết nhiều, mà làm tôm chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, chi phí tăng cao.
Ngoài ra, theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện giá xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường đang ở mức thấp. Cùng đó, mặc dù ngành tôm của Ecuador gặp nhiều khó khăn năm 2024 nhưng quốc gia này vẫn tăng xuất khẩu và tràn vào các thị trường, bao gồm Nhật Bản, Australia, EU (các thị trường mà tôm Ecuador kém cạnh tranh). Hiện Ecuador đã có thị phần lớn tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc.
Lựa chọn mô hình và mật độ nuôi phù hợp
Để chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan và hạn chế được dịch bệnh trên tôm, hiện nay, ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực ĐBSCL khuyến cáo người nuôi quan tâm chất lượng con giống, quản lý môi trường ao nuôi, thức ăn, dịch bệnh… Theo đó, người nuôi cần tăng cường đo đạc các yếu tố môi trường, theo dõi màu nước trong ao nuôi thường xuyên, điều chỉnh các yếu tố môi trường sao cho ổn định và tối ưu cho tôm nuôi trong giai đoạn này.
Còn theo ông Phục, ở vụ nuôi này, người nuôi cần chú ý nhiều hơn đến khâu quản lý an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh và theo dõi, bổ sung khoáng chất đầy đủ, đúng thời điểm và nhu cầu của tôm nuôi. Đặc biệt, nên lựa chọn mô hình và mật độ nuôi hợp lý để đảm bảo mục tiêu đầu tiên là nuôi tôm thành công, đạt năng suất, chất lượng, giá thành phù hợp trước khi nghĩ đến giá bán lúc thu hoạch. Theo đó, có thể nuôi thưa đối với ao đất hoặc nuôi mật độ cao kết hợp thu tỉa hay san thưa đối với mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh… để vừa giảm chi phí, vừa tăng năng suất và hạn chế dịch bệnh.
Về giải pháp để đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, Cục Thủy sản đề nghị các địa phương tăng cường khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt khi giá giảm, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ phù hợp, nuôi nhiều giai đoạn, nhằm thu hoạch tôm đạt các kích cỡ theo nhu cầu thị trường; đồng thời, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, để tăng giá bán từ đó tăng lợi nhuận cho vụ nuôi. Phát triển nuôi TTCT ở những vùng có đủ điều kiện hạ tầng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi TTCT và kiểm soát tốt các khâu sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật và giám sát người nuôi thực hiện tốt việc cải tạo ao, đầm nuôi đảm bảo thời gian ngắt vụ và mật độ thả nuôi hợp lý.
Đối với các đơn vị trực thuộc Cục Thủy sản, theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất đạt các mục tiêu kế hoạch năm 2024; bám sát tình hình sản xuất tại các địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến để tham mưu Bộ chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất hiệu quả, đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu các tháng cuối năm. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh để dự báo chính xác và có cảnh báo sớm đến người dân; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả với từng phương thức nuôi; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
“Phải theo dõi rất chủ động tình hình diễn biến của thời tiết, tình hình diễn biến của thị trường, từ đó điều chỉnh công nghệ nuôi và quy trình áp dụng cho phù hợp để đảm bảo thành công cao nhất”, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản khuyến cáo.
Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com