Ngôi sao sáng
Năm 2025, lĩnh vực xuất khẩu được nhận định có những cơ hội thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng nhờ sự phục hồi của kinh tế thế giới, lạm phát được kiểm soát, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do. Là một mũi nhọn về xuất khẩu, ngành tôm Việt cũng đang chuyển mình mạnh mẽ để tận dụng tốt thời cơ.

Theo đánh giá của VASEP, triển vọng năm 2025 cho ngành tôm khá lạc quan, miễn là các yếu tố bất ổn như chiến tranh thương mại dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump không gây thêm gián đoạn. Giá nhập khẩu trung bình tăng từ tháng 10/2024 và dự kiến duy trì ở mức cao trong suốt năm 2025 nhờ tồn kho ổn định, mang lại niềm tin cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Mới đây, Hiệp hội này đã đưa ra thông tin về tình hình xuất khẩu ngành thủy sản 2 tháng đầu năm với nhiều tín hiệu tích cực; trong đó con tôm vẫn là ngôi sao sáng khi đóng góp 542,387 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng 30,8%. Riêng tháng 2/2025, kim ngạch xuất đạt 231,406 triệu USD, tăng 33,9%. Sự phục hồi này cho thấy ngành tôm đang lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn giá thấp kéo dài trong năm 2023 – 2024.
Thành tựu này đến từ những lợi thế tại các thị trường xuất khẩu chủ lực nhiều năm qua của tôm Việt. Cụ thể, năm 2024, tôm Việt Nam đã xuất khẩu đến 107 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2023. Top 5 thị trường chính gồm: Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Nhóm thị trường này chiếm tới 76% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP chia sẻ, EU hiện là thị trường đáng chú ý với lượng nhập khẩu tôm thẻ chân trắng tươi đông lạnh và chế biến giá trị gia tăng đạt 376.875 tấn từ thế giới trong năm 2024, tăng 4% so với 2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường để duy trì lợi thế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ.
Tôm thẻ chân trắng từng là mặt hàng thường xuyên có mặt trên các bàn ăn của tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, được ưa chuộng vì giá cả phải chăng và dinh dưỡng phong phú. Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, tăng trưởng thu nhập của người lao động trung cấp và bình dân giảm, chi phí sinh hoạt tăng, người tiêu dùng ngày càng chú ý đến hiệu quả chi phí và protein thủy sản đang dần chuyển từ “ưa thích” sang “tùy chọn”. Người tiêu dùng cấp cao vẫn có ưu thế lựa chọn những mặt hàng hải sản cao cấp. Chính vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu tôm tiếp tục tăng cường thế mạnh xuất khẩu tôm hùm và đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị, có giải pháp hấp dẫn và kích thích nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng truyền thống như tôm chân trắng và tôm sú tại thị trường Trung Quốc, để tạo nên động lực cho ngành tồn tại ở thị trường lớn nhất châu Á.
Còn tại thị trường Mỹ, con tôm Việt Nam đang giữ thế cạnh tranh thứ hai, sau nhà cung ứng tôm Indonesia, kể từ khi Ấn Độ và Ecuador thu hẹp lượng xuất khẩu tôm sang thị trường này. Đối với sản phẩm tôm còn vỏ, nguồn cung của Việt Nam vào Mỹ tăng nhẹ so với năm trước. Còn sản phẩm tôm bóc vỏ, nguồn cung của Việt Nam tăng 21%, nguồn cung từ Ecuador và Ấn Độ tăng nhẹ (mỗi nước 2%), nguồn cung của Indonesia giảm 15%. Ấn Độ tiếp tục thống trị phân khúc sản phẩm này với thị phần 57%.
Chinh phục mục tiêu mới
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, sau thời gian nỗ lực triển khai các biện pháp kéo giảm giá thành sản xuất, khoảng cách chênh lệch giá tôm nguyên liệu của Việt Nam với Ecuador, Ấn Độ ngày càng thu hẹp. “Vụ tôm năm 2025 rất khả quan nhờ thời tiết thuận lợi, tôm ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Mặt hàng tôm nguyên liệu loại 30 con/kg, và sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng của Việt Nam đang chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Nếu có sự chuẩn bị tốt về nguyên liệu, vốn đầu tư thì ngành hàng chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2025 có nhiều khả năng “cán đích” trên 4 tỷ USD”, ông Quang nhận định.
Cũng là doanh nghiệp thuộc top đầu về xuất khẩu tôm, trong tháng 2/2025, tháng 2/2025, sản lượng sản xuất tôm thành phẩm của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đạt 1.913 tấn, tăng 106% so cùng kỳ năm trước. Ngoài việc tập trung vào các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Nhật Bản, Sao Ta sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Halal và Trung Đông.
Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhận định, ngành tôm thế giới đang cạnh tranh ngày càng gay gắt, vì vậy chế biến sâu chính là giải pháp để chiến thắng trên thị trường, phát triển ổn định ngành hàng này. Mặt khác, nhờ vào đầu tư công nghệ hiện đại, nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế so với các quốc gia khác.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2025, VASEP kiến nghị, cần có các chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp, người nuôi như tạo điều kiện về vốn, giải quyết bất cập liên quan đến chi phí tuân thủ quy định và thủ tục hành chính. Có biện pháp bình ổn các chi phí đầu vào cho sản xuất như giá thức ăn tôm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống. Đẩy mạnh mã số vùng nuôi phục vụ cho truy xuất nguồn gốc; có chính sách đầu tư, khuyến khích nuôi ngoài tôm chân trắng và cần giữ thế mạnh nuôi tôm sú.
VASEP cũng đề xuất với Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản để khơi thông lợi thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam.
Để chủ động trước các yêu cầu của các nước nhập khẩu cũng như đảm bảo nuôi nuôi tôm bền vững, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ông Phan Quang Minh, Phó Cục Chăn nuôi – Thú y cho rằng, các cơ sở nuôi cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh chủ động, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm trên tôm theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới. Việc giám sát gắn với xây dựng cơ sở và chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để phục vụ trong nước và xuất khẩu.