Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Cá tra là ngành hàng mũi nhọn nằm trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh. Đồng Tháp có 2.000 ha nuôi cá tra, sản xuất 500.000 tấn/năm. Ngành cá tra đang trên đà phát triển mạnh, nhưng còn gặp khó khăn, giá cả quá thấp khiến người nuôi thua lỗ ở thời điểm hiện nay. Cá tra không còn là độc quyền của Việt Nam, khi các nước lân cận như Lào, Campuchia và Trung Quốc… đang nuôi thành công, có thể cạnh tranh với cá tra của chúng ta. Bên cạnh đó, nguồn giống cá tra chưa có liên kết chuỗi, mã số nhận diện vùng nuôi chưa nhiều, bảo vệ môi trường còn kém… Làm sao khắc phục được các vấn đề nói trên từ đó giúp nâng cao chất lượng ngành hàng cá tra đạt chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.
Năm 2019, sản lượng nuôi cá tra ước đạt 1,2 triệu tấn - Ảnh: Ngọc Trinh
Theo ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang: Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, tỉnh đang đẩy mạnh nhiều giải pháp như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, cơ sở nuôi thủy sản nhằm từng bước nâng cao ý thức của các cơ sở trong việc đảm bảo điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phát triển thủy sản theo quy hoạch, quy mô sản xuất công nghiệp, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ.
Cùng đó, theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Để nâng cao giá trị xuất khẩu cá tra thích ứng với thị trường thế giới, chúng ta cần ứng dụng kỹ thuật cao trong khâu nuôi, thay vì cá tra nuôi trọng lượng từ 800 gram - 1 kg/con, giờ có thể nuôi thành 3 - 4 kg/con để xuất khẩu theo đơn đặt hàng của đối tác. Cùng đó, cần tăng cường cải thiện chất lượng của ngành cá tra giống, cá nguyên liệu, quy trình chế biến, môi trường. Thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành cá tra. Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam.
Theo: Thủy Sản Việt Nam