Năm 2020: Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản sang Bra-xin

Thứ bảy, 22/02/2020 - 02:55 PM      696

Năm 2020, Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung cấp thực phẩm của Bra-xin (MAPA) đã chấp thuận một số yêu cầu để tạo điều kiện xuất khẩu tôm, sản phẩm tôm của phía Việt Nam, điều này sẽ mở ra cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường được đánh giá là đầy tiềm năng này trong thời gian tới.

 
Năm 2020: Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản sang Bra-xin
Ảnh minh họa

Mặc dù, tình hình xuất khẩu cá tra và tôm sang thị trường Bra-xin ảm đạm hơn so với những năm trước đây, nhưng với những động thái thúc đẩy trao đổi và hợp tác tích cực giữa hai bên trong năm 2019 và đặc biệt, ngày từ đầu năm 2020, thông tin cho biết, Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung cấp thực phẩm của Bra-xin (MAPA) đã chấp thuận một số yêu cầu để tạo điều kiện xuất khẩu tôm, sản phẩm tôm của phía Việt Nam, điều này sẽ mở ra cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường được đánh giá là đầy tiềm năng này trong thời gian tới.

Trước những khó khăn liên quan đến các rào cản kỷ thuật đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bra-xin, trong năm 2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với đại diện Đại sứ quán Bra-xin trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại thủy sản và động vật trên cạn; sau khi nhận được trả lời Bộ câu hỏi về quản lý thủy sản cho cơ quan thẩm quyền nước này, ngày 21/8/2019, MAPA đã đề nghị Việt Nam cung cấp bổ sung các văn bản, thông tin liên quan đến việc kiểm soát chất tồn dư, vệ sinh thú y, vi sinh vật, mầm bệnh trong sản xuất tôm của Việt Nam để cân nhắc mở cửa thị trường với các sản phẩm tôm của Việt Nam. Ngay sau đó, phía Việt Nam trực tiếp là Cục Thú y đã có văn bản trả lời câu hỏi bổ sung của Cơ quan thẩm quyền Bra-xin về xuất khẩu tôm (Công văn số 1700/TY-TS ngày 18/9/2019) và chuyển các yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền Bra-xin tới Cục QLCLNLS&TS (Công văn số 1710/TY-TS ngày 20/9/2019) để trả lời các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Trước đó, trong năm 2019, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, Cục QLCLNLS&TS) và Đại sứ quán Bra-xin đã họp trao đổi tháo gỡ các vấn đề kỹ thuật đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Bra-xin (đề nghị cho biết kết quả đánh giá hồ sơ xuất khẩu, đề nghị quy định về sử dụng muối phốt phát theo Codex, xuất khẩu tôm nguyên con đông lạnh, điều chỉnh các quy định xử lý nhiệt các sản phẩm tôm, bỏ quy định về đăng ký sản phẩm trước khi xuất khẩu hoặc cập nhật phần mềm cho phép sử dụng tiếng Anh trong quá trình đăng ký sản phẩm).

Trong năm 2019, trong chương trình nghị sự của các lãnh đạo Cấp cao của hai nước cũng như các cuộc trao đổi của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị trực thuộc đã tích cực chỉ đạo và phối hợp trao đổi với MAPA để thúc đẩy đàm phám tháo gỡ những rào cản thị trường. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công hàm 282/ICD-MARD gửi Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung cấp thực phẩm của Bra-xin đề nghị mở cửa thị trường nhập khẩu tôm và gỡ bỏ rào cản kỹ thuật đối với xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam, đồng thời đề xuất thời gian Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang Bra-xin để đàm phán, ký kết.

Ngay từ đầu năm 2020, Đại sứ quán Bra-xin tại Hà Nội có Công văn số 05/20  gửi Cục Thú y kèm theo Công hàm số 008/2020-Hanoi ngày 10/01/2020 của Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung cấp thực phẩm của Bra-xin (MAPA) chấp thuận một số yêu cầu để tạo điều kiện xuất khẩu tôm, sản phẩm tôm của phía Việt Nam.

Bên cạnh đó phía MAPA đã có công hàm gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT về hợp tác nông nghiệp giữa hai quốc gia, MAPA cũng đã đề nghị ký kết Biên bản ghi nhớ thành lập Tổ công tác để điều chỉnh quy định cho phù hợp giữa hai quốc gia (về muối phốt phát trong cá tra) và xây dựng hệ thống đăng ký nhãn điện tử bằng tiếng Anh.

Với hơn 190 triệu người tiêu dùng, Bra-xin là thị trường rộng lớn và rất ưa chuộng sản phẩm thuỷ sản nói chung và cá tra Việt Nam nói riêng. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Bra-xin trong năm 2019 đạt giá trị hơn 62,707 triệu USD, trong đó cá tra chiếm 98% tổng giá trị.

Năm 2019, giá trị nhập khẩu thủy sản của Bra-xin chủ yếu từ nhiều nguồn cung lớn và truyền thống như là Argentina, Trung Quốc hay Bồ Đào Nha đều tăng nhưng giá trị nhập khẩu từ Việt Nam lại giảm.

Theo VASEP, hiện có hơn 10 doanh nghiệp cá tra đang duy trì xuất khẩu sang thị trường Brazil, trong đó, giá trị xuất khẩu lớn hơn sang thị trường này đi từ các doanh nghiệp cá tra Cần Thơ và Bến Tre. Thị trường Bra-xin vẫn được các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng tại khu vực Nam Mỹ. 

Theo: https://tongcucthuysan.gov.vn/

Tags:
Ý kiến của bạn