Mở lối phát triển công nghệ thủy sản

Thứ bảy, 21/10/2023 - 02:22 PM      352

Mở lối phát triển công nghệ thủy sản

(TSVN) – Trước bối cảnh đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường, sự thiếu hụt vốn đầu tư và khả năng cạnh tranh thấp…; việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất thủy sản đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhiều thành tựu

Khoa học công nghệ phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản đã có những bước tiến bộ quan trọng, đến nay đã có khá nhiều tiến bộ công nghệ đã được nghiên cứu áp dụng phục vụ phát triển.

Nhiều nghiên cứu đã tiến hành và áp dụng vào sản xuất cá tra vùng ĐBSCL: (i) Nghiên cứu sản xuất thức ăn chất lượng cao giúp nâng cao hiệu quả nuôi và chất lượng fillet cá tra, (ii) Nghiên cứu công nghệ giết cá nhân đạo đảm bảo an sinh vật nuôi, chất lượng fillet, (iii) Hoàn thiện công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá tra chất lượng cao, (iiii) Hoàn thiện công nghệ thu hoạch, vận chuyển và sản xuất thử nghiệm 1.000 tấn fillet cá tra chất lượng cao, (v) Chương trình nuôi thử nghiệm cải thiện chất lượng cá tra. Những kết quả ban đầu này là nền tảng để các công ty phát triển những dòng sản phẩm cá tra có chất lượng khác nhau, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Công ty RYNAN Technologies mang đến VietShrimp 2023 nhiều dòng sản phẩm máy móc mới, hiện đại, tiện dụng giới thiệu cho khách hàng, đối tác trong nước và quốc tế. Ảnh: Rynan

Nghiên cứu khoa học đã được triển khai thực hiện, đóng góp quan trọng vào phát triển nuôi tôm nước lợ như: (i) Khép kín vòng đời tôm sú từ trứng đến tôm mẹ và tạo ra các thế hệ gia hóa trong điều kiện nuôi bể trong nhà; (ii) Sản xuất tôm sú bố mẹ và tôm sú giống sạch bệnh; (iii) Xây dựng công nghệ nuôi tôm sú thâm canh sử dụng các chế phẩm sinh học đạt năng suất cao và bền vững môi trường sinh thái; (iv) Công nghệ nuôi tôm tuần hoàn khép kín; Nghiên cứu ứng dụng hệ thống RAS trong sản xuất giống tôm sú, tạo ra giống tôm sạch bệnh, bảo vệ môi trường và giảm chi phí sản xuất; (v) Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất giống và cơ sở khoa học phục vụ phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT); (vi) Nghiên cứu sản xuất TTCT bố mẹ chất lượng, sạch bệnh phục vụ sản xuất giống nhân tạo; (vii) Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất TTCT sạch bệnh; (viii) Nghiên cứu phát triển và ứng dụng chỉ thị phân tử để chọn tạo TTCT bố mẹ tăng trưởng nhanh; (ix) Nhập nội và duy trì giống gốc TTCT, sản xuất tôm bố mẹ và cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống, đào tạo kỹ thuật quản lý tôm bố mẹ và sản xuất giống TTCT đảm bảo chất lượng; Nâng cao chất lượng giống TTCT; (x) Quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn; công nghệ biofloc trong nuôi thâm canh TTCT; (xi) Quy trình công nghệ nuôi thâm canh TTCT kiểm soát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp quy mô trang trại; (xii) Nghiên cứu quy trình sử dụng kháng sinh hợp lý trong phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi nước lợ; (xiii) Chương trình sản xuất TTCT sạch bệnh (SPF).

Nuôi tôm công nghệ cao giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Ảnh: Tép Bạc

Nuôi trồng thủy sản Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều các loại hình, đối tượng nuôi áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến vào sản xuất tại thu được kết quả tốt. Một số công nghệ tiêu biểu như: Hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), công nghệ Biofloc, công nghệ nuôi nhiều giai đoạn, công nghệ nuôi trong nhà màng, kỹ thuật nuôi ghép, nuôi kết hợp, quy trình công nghệ nuôi sạch.

Với lĩnh vực khai thác thủy sản, hiện nay, nhiều tàu khai thác xa bờ đã được đóng mới trang bị lắp máy công suất lớn, trang thiết bị khai thác hiện đại. Một số công nghệ tiên tiến nổi bật như: Lưới vây cơ giới khai thác cá ngừ, sử dụng ánh sáng điện đèn LED và máy dò cá trong nghề lưới vây, lưới chụp 6 tăng gông khai thác cá nổi và mực xà ở vùng biển khơi; lưới vây khai thác cá ngừ ở vùng khơi. Đặc biệt, là nghề lưới vây sử dụng máy dò ngang khai thác cá ngừ và cá nổi nhỏ cho năng suất cao, ứng dụng công nghệ bảo quản cá ngừ bằng công nghệ nano, nước biển lạnh, đá sệt…  Việc đổi mới, ứng dụng công nghệ mới đã góp phần nâng cao năng suất khai thác, giảm chi phí sản xuất và góp phần giảm tổn thất chất lượng nguyên liệu hải sản khai thác (tăng bình quân 30% so với phương thức bảo quản truyền thống) đảm bảo an toàn thực phẩm, kéo dài thời gian bảo quản lên đến 20 – 25 ngày (so với bảo quản bằng nước đá 10 – 12 ngày).

Mở rộng nghiên cứu, ứng dụng

Thông tin tại Hội nghị toàn quốc về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tiến bộ kỹ thuật, công nghệ lĩnh vực thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 19/10; giai đoạn 2018 – 2022, ngành thủy sản đã xây dựng được 56 quy trình công nghệ nuôi, sản xuất giống, khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm được công nhận tiến bộ kỹ thuật; chọn tạo được 23 giống cá, tôm tăng trưởng, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt… Tuy nhiên, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn vừa qua còn nhỏ lẻ, phân mảnh, chưa gắn nhiều với thực tế sản xuất. Khối doanh nghiệp, tư nhân tham gia vào phát triển nghiên cứu khoa học còn ít. Nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học còn hạn chế. Tính tự chủ ở các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ còn thấp, chưa có sự liên kết hợp tác với doanh nghiệp…

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới, định hướng phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản là nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, tiết kiệm nước và thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh; tiếp tục nghiên cứu làm chủ công nghệ đối với sản phẩm cá da trơn, tôm nước lợ; đồng thời chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, tạo và phát triển giống thủy sản mang tính trạng cải tiến; đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học trên nhóm sản phẩm thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua ở mức 4 – 5%, chiếm 28,7% trong tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp. Tính đến hết tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,67 tỷ USD. Đạt được những kết quả khả quan như vậy, có sự đóng góp rất lớn của khoa học công nghệ. Nhưng trước bối cảnh khó khăn nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế rất cần tinh thần đam mê nghề nghiệp, quyết tâm, quyết liệt và kiên trì của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp để đóng góp ngày càng nhiều hơn về khoa học công nghệ, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững.

Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Tags:
Ý kiến của bạn
Cùng chuyên mục
Tin nổi bật
Cải tạo ao nuôi tôm và gây màu
Thứ hai, 30/09/2024 - 09:30 AM
116
Giải bài toán nuôi tôm công nghệ cao
Thứ hai, 19/08/2024 - 03:09 PM
137
Nuôi tôm dễ dàng nhờ ao tròn nổi
Thứ năm, 01/02/2024 - 04:21 PM
274
Tin xem nhiều
Cải tạo ao nuôi tôm và gây màu
Thứ hai, 30/09/2024 - 09:30 AM
116