Giám sát chặt dịch bệnh

Thứ tư, 16/04/2025 - 08:25 AM      61

(TSVN) – Ngay từ khi bước vào vụ tôm năm 2025, người nuôi đã phải đối mặt với khó khăn lớn đến từ dịch bệnh. Trước tình hình trên, ngành chức năng các địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ và ứng phó hiệu quả.

 

Diễn biến phức tạp

Theo dự báo của các chuyên gia, 2025 tiếp tục là một năm thử thách với người nuôi tôm bởi điều kiện thời tiết cực đoan, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, áp lực về chi phí thức ăn, chất lượng con giống, giá bán không ổn định.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (VinaCleanfood), cho biết: “Tình hình nuôi tôm đầu năm nay rất khó khăn, thông tin tôm thiệt hại, tôm thu hoạch sớm do dịch bệnh xuất hiện liên tục. Nguyên nhân một phần do thời tiết rất thất thường, cùng đó, chất lượng con giống chưa đảm bảo nên việc nuôi không được như ý”.

Giá tôm 70 con/kg tại Sóc Trăng hiện tại bằng loại 40 con năm trước, tức khoảng 130.000 đồng/kg, nếu tôm có chứng nhận giá trên 130.000 đồng/kg. Bởi vậy, theo người nuôi tôm, thời điểm này, ai có tôm bán sẽ thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, ngay cả các farm nuôi lớn của các doanh nghiệp, như: Vinacleanfood hay Sao Ta cũng phải hạ mức kỳ vọng ở vụ nuôi đầu tiên này. “EHP và bệnh đốm trắng diễn biến ngày càng phức tạp. Chưa năm nào mà vụ nuôi này EHP lại bùng phát mạnh như năm nay. Nếu tình hình không được cải thiện, ngành tôm sẽ vô cùng khốn đốn”, ông Phục lo lắng.

Không chỉ ở Sóc Trăng, theo ghi nhận của phóng viên Đặc san Con Tôm, tại hầu hết các vùng nuôi ở khu vực ĐBSCL, tôm đều nhiễm dịch bệnh, chủ yếu là EHP, đốm trắng và TPD (như ở Bến Tre chủ yếu đốm trắng, Bạc Liêu, Sóc Trăng bị TPD và EHP).
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, thời tiết diễn biến bất thường, mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến nuôi tôm do thay đổi các yếu tố môi trường. Tình hình dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp, khó lường với các bệnh thường gặp như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và bệnh do yếu tố môi trường. Đặc biệt, gần đây xuất hiện thêm bệnh TPD trên ấu trùng tôm mới thả nuôi. Trong tháng 2/2025, tỉnh ghi nhận 4,6 ha tôm nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng tại huyện An Biên.

Chậm tiến độ thả nuôi

Báo cáo của ngành nông nghiệp và môi trường các tỉnh cho thấy, đến hết tuần đầu tháng 3/2025, ngoại trừ diện tích nuôi tôm – lúa, quảng canh cải tiến hay quảng canh về cơ bản đã thả giống xong, còn lại các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh hiện mỗi tỉnh chỉ mới thả được vài nghìn ha.

Tại tỉnh Sóc Trăng, nơi có diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh lớn nhất cả nước, nhưng do phần lớn đều nằm sâu trong nội đồng nên độ mặn trễ hơn. Từ đầu năm đến nay, riêng tuyến sông thuộc khu vực huyện Mỹ Xuyên có độ mặn tương đối thấp (dưới 2‰) so với hàng năm. Vì vậy, đến hết tuần đầu tháng 3, toàn tỉnh mới thả nuôi được 2.544 ha. Tuy nhiên, kết quả quan trắc gần đây cho thấy, diễn biến độ mặn trong tuần đầu tháng 3 tại nhiều nơi đã phù hợp cho việc lấy nước chuẩn bị thả nên khả năng tiến độ thả nuôi sẽ tăng nhanh từ giữa tháng 3 trở đi.
Còn tại Kiên Giang, năm 2025, địa phương này có kế hoạch thả nuôi 137.050 ha tôm nước lợ, với mục tiêu tổng sản lượng 155.000 tấn tôm. Đến đầu tháng 3, diện tích thả nuôi hơn 95.165 ha, đạt 69,4% kế hoạch, và sản lượng tôm thu hoạch hơn 9.900 tấn, bằng 6,4% kế hoạch.

Do tiến độ thả nuôi chậm vì độ mặn thấp và lo ngại dịch bệnh, nên một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh con giống đã bắt đầu đẩy mạnh chính sách khuyến mãi, với mức tặng thêm từ 50 – 100% lượng con giống đặt mua. Tuy nhiên, theo các hộ nuôi tôm, giá tôm thương phẩm đang cao, nhưng chỉ khi nào các điều kiện nuôi thuận lợi thì họ mới thả giống.

Ứng phó hiệu quả

Giá tôm từ cuối năm 2024 đến nay vẫn giữ ở mức cao, cùng với đó là độ mặn đang lên nhanh tại hầu hết các vùng nuôi trong khu vực ĐBSCL là các yếu tố thuận lợi giúp đẩy nhanh tiến độ thả giống tại các vùng nuôi trong khu vực. Tuy nhiên, với diễn biến một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm, như: EHP, đốm trắng, gan tụy,… đã bắt đầu xuất hiện và gây thiệt hại một số nơi, người nuôi cần hết sức thận trọng ngay từ khâu cải tạo ao nuôi đến xử lý nước, chọn con giống chất lượng từ đơn vị có uy tín,… để đảm bảo cho vụ nuôi được thắng lợi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh tập trung triển khai, thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2025, tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất thủy sản.

Cùng đó, ngành chức năng theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn trên địa bàn, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và người dân biết những diễn biến bất lợi của thời tiết, môi trường và nguy cơ dịch bệnh để chủ động ứng phó, bảo vệ an toàn cho sản xuất; đồng thời, khi phát hiện dịch bệnh trên địa bàn, tập trung các giải pháp dập tắt nhanh ổ dịch, không để lây lan.

Theo đó, ngành thủy sản tỉnh phối hợp với các địa phương vùng sản xuất trọng điểm tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thả nuôi đúng mùa vụ để hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại, đảm bảo năng suất, chất lượng; nhắc nhở người nuôi theo dõi thường xuyên khuyến cáo của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản, nhất là về diễn biến thời tiết, nguy cơ dịch bệnh, chọn mua con giống chất lượng ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để thả nuôi,… nhằm sản xuất an toàn, đạt hiệu quả kinh tế.

Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn và sản phẩm cải tạo, xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tại Sóc Trăng, chính quyền địa phương cũng đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ hỗ trợ người dân. Bên cạnh việc tăng cường khuyến cáo về lịch thời vụ, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng thường xuyên thực hiện công tác quan trắc môi trường để kịp thời điều chỉnh lịch thả giống cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Ông Đỗ Văn Thừa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cho biết: “Chi cục đang tích cực đồng hành cùng bà con nuôi tôm. Phối hợp với liên ngành tăng cường kiểm tra điều kiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật tư thủy sản. Đồng thời, hướng dẫn hộ nuôi đăng ký kê khai ban đầu, giám sát vùng nuôi, xử lý đối với các trường hợp thả tôm không đúng lịch thời vụ, nhằm đảm bảo điều kiện để người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đạt được hiệu quả cao nhất”.

Năm 2024, diện tích tôm bị thiệt hại do dịch bệnh là 21.726 ha, giảm 5,7% so năm 2023. Các bệnh phổ biến như hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng tiếp tục diễn ra nhưng đã được kiểm soát tốt hơn nhờ vào công tác giám sát dịch bệnh chặt chẽ.

Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Tags:
Ý kiến của bạn
Cùng chuyên mục
Tin nổi bật
Cải tạo ao nuôi tôm và gây màu
Thứ hai, 30/09/2024 - 09:30 AM
272
Giải bài toán nuôi tôm công nghệ cao
Thứ hai, 19/08/2024 - 03:09 PM
252
Nuôi tôm dễ dàng nhờ ao tròn nổi
Thứ năm, 01/02/2024 - 04:21 PM
356
Tin xem nhiều