Hóa giải thách thức môi trường từ công nghệ

Thứ ba, 21/11/2023 - 08:00 AM      412

Hóa giải thách thức môi trường từ công nghệ
(TSVN) – Theo Bộ NN&PTNT, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là việc nuôi trồng còn tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Do vậy, để hoạt động NTTS đạt hiệu quả và phát triển bền vững, yếu tố môi trường cần được quan tâm và có những biện pháp tháo gỡ, trong đó chú trọng đến vai trò của khoa học công nghệ.

 

Công nghệ tân tiến trong nuôi tôm 

Kỹ thuật nuôi tuần hoàn nước hiện không còn lạ lẫm đối với người nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu, mà thậm chí nhiều doanh nghiệp lớn cho biết mô hình đang áp dụng có nguồn gốc từ chính hộ dân nuôi tôm. Những mô hình này giúp giảm chi phí trong giá thành nuôi tôm mà tôm lại sạch bệnh, bán được giá cao. 

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn nước chiếm lượng lớn ở địa phương, với mức khoảng 80% số hộ nuôi, tình trạng nuôi tôm rồi xả thải trực tiếp ra kênh rạch hầu như không còn, nên tỷ lệ thành công của nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh đạt hơn 80%. Đặc biệt, loại tôm cỡ 20 con/kg đang rất phổ biến trong các farm nuôi. 

Nuôi biển bằng công nghệ lồng nuôi HDPE ngày một phổ biến, cho giá trị sản xuất cao, giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Ảnh: Dekko

TS Lê Anh Xuân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh cho biết, mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước, tái sử dụng chất thải, tránh xả thải có thể áp dụng ở nhiều vùng nuôi khác nhau, nhất là tại các khu vực nuôi bị hạn chế nguồn nước, mô hình cũng giúp tối ưu hóa nguồn nước khi độ mặn xuống thấp. Mô hình giúp giảm chi phí và rủi ro trong quá trình nuôi, nuôi tôm về size lớn tùy theo thị trường yêu cầu. 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tác động trực tiếp đến môi trường, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn sử dụng công 

nghệ tuần hoàn, ít thay nước và an toàn sinh học được đánh giá là một mô hình mới có nhiều triển vọng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững. Mô hình được đầu tư và thử nghiệm lần đầu tiên tại tỉnh Cà Mau do Viện Nghiên cứu NTTS II chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau nghiên cứu, với tên gọi Dự án là “3R cho NTTS thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng hạ lưu ĐBSCL của Việt Nam – 3R4CSA”. Dự án do tổ chức CIRAD và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ và được triển khai thực hiện từ tháng 5/2023 đến nay tại ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. 

Theo đó, mô hình này được thực hiện theo công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS) và chia theo 3 giai đoạn: Ương giống giai đoạn 1 khoảng từ 20 – 25 ngày, sau đó chuyển sang nuôi giai đoạn 2 và giai đoạn 3 thông qua hệ thống tuần hoàn nước. Đây là hệ thống khép kín và tái sử dụng nước >90%, giúp giảm tối thiểu lây truyền bệnh từ quá trình cấp nước. Ngoài ra, trong quá trình nuôi sẽ bổ sung các chất chế phẩm sinh học/thảo dược vào thức ăn hàng ngày, để tạo hệ thống miễn dịch và phòng vi khuẩn trên tôm. Áp dụng mô hình này giúp thời gian nuôi được rút ngắn, kích cỡ tôm thu hoạch lớn, tỷ lệ tôm sống đạt ≥80%; kích cỡ tôm nuôi đạt khoảng 30 – 50 con/kg. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi, sản phẩm tôm nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. 

TS Nguyễn Nhứt, Viện Nghiên cứu NTTS II, Chủ nhiệm Dự án cho biết: “Theo công nghệ mới này, người nuôi có thể thả “nối đuôi” trên cùng diện tích ao, thời gian quay vòng vốn nhanh, giúp tăng lợi nhuận của mô hình. Hệ thống ao nuôi hoạt động liên tục đồng nghĩa với lượng dinh dưỡng cho hệ vi sinh phát triển một cách liên tục phù hợp với nuôi tuần hoàn nước dùng lọc sinh học. Theo đó, người nuôi có thể thả tôm liên tục từ6-8vụ/nămthayvìphảichờ thời gian phơi đầm hay thay nước như trước, bình quân sản lượng nuôi đạt từ 60 – 70 tấn/ha/vụ. Mô hình thân thiện với môi trường, giúp giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, giảm hóa chất, kháng sinh đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường xuất khẩu. 

Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau thông tin, Sở đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau 1 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý nước tuần hoàn và bùn thải trong nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau và một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Năm 2022 – 2023, Sở cũng cho triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm là xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh. Các công nghệ nuôi 100% không xả thải ra môi trường hoặc ít xả thải. Khi xả thải thì có biện pháp xử lý bảo vệ môi trường giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh cho các cơ sở nuôi tôm khác. 

Bảo vệ môi trường trong nuôi biển 

Trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ NN&PTNT đặt ra. 

Khánh Hòa là địa phương có nhiều lợi thế trong nuôi biển, trong đó có 3 vịnh lớn rất thuận lợi để nuôi biển… Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều cơ sở nghiên cứu, viện nghiên cứu chủ động sản xuất được nhiều con giống mới chất lượng, năng suất cao. Nhờ thế mà nghề nuôi biển của tỉnh có nhiều phát triển. Tỉnh đang thí điểm mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ mới và xem đây là quá trình giúp địa phương hoàn thiện dần mô hình lồng bè, cách nuôi, phương thức nuôi để nuôi biển đạt được hiệu quả cao nhất. Điển hình trong số đó là Dự án nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) được triển khai 3 năm qua ở vùng biển Vạn Ninh. Dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, do Phân viện Nghiên cứu NTTS Bắc Trung bộ – Viện Nghiên cứu NTTS I tổ chức triển khai, với hình thức hỗ trợ là người dân đầu tư lồng tròn vật liệu HDPE, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí giống, thức ăn và tuân thủ quy trình nuôi đảm bảo ATTP. 

Là một trong những hộ tham gia Dự án này, ông Nguyễn Tấn Dũng ở vùng nuôi Cổ Cò, xã Vạn Thạnh đã 35.000 con giống. Sau 9 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ thu hoạch từ 0,7 đến 0,75 kg/con, sản lượng hơn 17 tấn. Với giá bán 120.000 đồng/kg, ông Dũng lãi hơn 150 triệu đồng. 

ThS Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu NTTS Bắc Trung bộ, Chủ nhiệm Dự án cho biết, qua 3 năm triển khai, 3 mô hình nuôi cá chim vây vàng trong lồng tròn HDPE ở vùng NTTS xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh đã giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu rủi ro, tăng thu nhập cho ngư dân và tạo ra sản phẩm chất lượng, ATTP phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Cá được nuôi theo quy trình an toàn sinh học, lồng nuôi đặt ở khu vực không ô nhiễm, cá cho ăn bằng thức ăn công nghiệp chất lượng cao, lồng, lưới thường xuyên được vệ sinh, thay mới, hạn chế tối đa sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi và phòng trị bệnh. Ngoài ra, cá nuôi còn được bổ sung thêm một số vitamin, khoáng chất và men tiêu hóa… 

Toàn huyện Vạn Ninh hiện có 15 tổ chức, cá nhân nuôi biển trong lồng nuôi được làm từ vật liệu HDPE và composite FRP với tổng cộng 140 ô lồng. Việc chuyển đổi vật liệu ô lồng còn kéo theo sự thay đổi về quy mô sản xuất ngày một lớn hơn, ngư dân cũng đã từng bước ứng dụng quy trình nuôi biển an toàn, thân thiện môi trường. Người nuôi mong muốn Nhà nước tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích, hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi từ ô lồng NTTS truyền thống sang các vật liệu bền vững và có khả năng chống chịu với sóng gió tốt hơn. 

Theo các chuyên gia, phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE không những có độ nổi tốt như phao xốp, mà còn có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, sóng to, gió lớn, tuổi thọ 30 – 50 năm. Bên cạnh đó, vật liệu nhựa HDPE rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét bởi môi trường nước biển. Đặc biệt, NTTS bằng phao nhựa HDPE được đánh giá là một hình thức nuôi thân thiện với môi trường, hạn chế ô nhiễm, thủy sản sinh trưởng khỏe mạnh. 

Xu hướng nuôi trồng sinh thái 

Để hướng đến mục tiêu phát triển NTTS trở thành ngành sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, nhiều vùng nuôi trọng điểm đã và đang triển khai các hình thức sản xuất hữu cơ, sinh thái. Phát triển thủy sản theo hướng hữu cơ sẽ góp phần phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, hệ sinh thái và mang lại sức khỏe cho người nuôi và người tiêu dùng. Đây là một trong những xu thế phát triển tất yếu khi ý thức của người tiêu dùng về vấn đề môi trường, ATTP ngày càng được nâng cao. 

Xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển là địa phương có diện tích nuôi tôm – rừng lớn nhất của tỉnh Cà Mau đạt tiêu chuẩn quốc tế. Toàn xã có 1.168 hộ, với 5.868 ha nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế như: Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP… về tôm sạch. Địa phương này luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường nuôi tôm dưới tán rừng, qua đó ý thức chấp hành của người dân rất tốt, không có tình trạng nuôi tôm công nghiệp làm ảnh hưởng xấu đến vùng nuôi. 

Tiêu chuẩn của mô hình nuôi tôm sạch có quy định, người nuôi phải đảm bảo các điều kiện về chôn lấp rác thải, ghi nhật ký vụ mùa, những chế phẩm sử dụng phải nằm trong các danh mục cho phép… phù hợp với tiêu chuẩn quy định về xây dựng nông thôn mới. Tuyệt đối không được xả chất thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng vùng tôm nuôi của người dân. 

Theo đại diện UBND xã Viên An Đông, nuôi tôm dưới tán rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế đã mang lại năng suất, lợi nhuận rất cao cho người nuôi. Địa phương luôn tăng cường quản lý chặt chẽ địa bàn, kết hợp tuyên truyền cho người dân hiểu, nhằm giữ vững môi trường trong lành vùng nuôi tôm sinh thái. Từ khi vùng nuôi tôm rừng được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế thì đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. 

 

>> Giai đoạn 2021 - 2023, Cục Thủy sản đã triển khai 992 điểm quan trắc môi trường trong NTTS, trong đó vùng nuôi tôm 460 điểm (riêng ĐBSCL có 36 điểm). Nhìn chung, chất lượng môi trường nguồn nước cấp cho nuôi tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể có hiện tượng ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi. Bùn thải, thức ăn, thuốc, hóa chất thừa, nước thải... từ hoạt động NTTS; hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng còn thiếu, chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp... Giai đoạn 2023 - 2024, Cục Thủy sản đề xuất cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản về môi trường, nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trong NTTS. Chủ động hơn trong việc phòng ngừa, kiểm soát nguồn ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng, tăng cường năng lực phòng ngừa và cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường. Bên cạnh đó, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong NTTS. Đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS, rà soát quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho thủy lợi... 

Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn
Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Nuôi tôm dễ dàng nhờ ao tròn nổi
Thứ năm, 01/02/2024 - 04:21 PM
223
Long An: Người dân lao đao trong mùa hạn mặn
Thứ sáu, 20/03/2020 - 02:52 PM
877
Tin xem nhiều