Lạc quan xuất khẩu đầu năm

Thứ bảy, 13/04/2024 - 08:30 AM      254

(TSVN) – Là một trong những điểm sáng của bức tranh xuất khẩu, nhiều khả năng trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD. Theo nhận định của các chuyên gia, 2024 sẽ tiếp tục là năm ngành tôm ghi nhận nhiều bứt phá, bởi dư địa tại nhiều thị trường vẫn còn rất lớn, nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ, hóa giải thách thức.

 

Sức bật lớn 

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Đáng lưu ý, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023. Năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng từ 10 – 15% so năm 2023, nhất là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại. 

Ấn tượng nhất với ngành tôm đó là riêng trong tháng 1/2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 242 triệu USD, tăng 71% so cùng kỳ năm 2023. Cùng với giá tôm nguyên liệu ở một số địa phương cũng có xu hướng nhích lên trong tháng đầu năm, thì đây là một tín hiệu khởi đầu tích cực. Các sản phẩm tôm thẻ chân trắng và tôm sú xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng 2 con số, giá trị xuất khẩu tôm loại khác tăng trưởng 3 con số. Các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh tăng trưởng mạnh hơn các sản phẩm tôm chế biến. 

Bức tranh sáng của ngành tôm cũng được thể hiện rõ nét tại các thị trường nhập khẩu thủy sản trọng điểm của Việt Nam trong những tháng đầu năm. Đầu tiên phải kể đến là thị trường Australia, khi trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam tại đây đạt 34 triệu USD, tăng 20% so cùng kỳ và chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Australia là thị trường tiềm năng do hơn 65% lượng tiêu thụ thủy sản của nước này là từ nguồn nhập khẩu. Thị trường Australia nhập khẩu thủy sản từ hơn 95 nước trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp thủy sản hàng đầu tại Australia, chiếm trên 22% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của thị trường này. 

Trong số các thị trường chính, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất 275% đạt 42 triệu USD trong tháng 1/2024. Nhờ tăng trưởng mạnh, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2024, chiếm tỷ trọng 17,5%. Dự báo năm 2024, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tiếp tục đón nhiều cơ hội nhờ nhu cầu lớn và những chính sách ưu tiên nhập khẩu của nước này. Trung Quốc được nhận định là thị trường có tính đa dạng cao nên sẽ có nhiều cơ hội cho các sản phẩm của Việt Nam (nhất là tôm), nhờ giá cả cạnh tranh. 

Hướng đi bền vững 

Bên cạnh những thuận lợi đó, dự báo từ giới phân tích cho thấy, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, triển vọng tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư không đồng đều, rủi ro gia tăng. Vì vậy, để tăng trưởng xuất khẩu đạt mục tiêu đề ra của ngành tôm trong năm 2024 rất cần vai trò quan trọng của xúc tiến thương mại và hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng với doanh nghiệp. 

Đại diện VASEP cho rằng, để gia tăng thị phần tại các thị trường trong năm 2024, doanh nghiệp cần lưu ý đến thị hiếu tiêu dùng mới. Cụ thể như Hàn Quốc, nhu cầu đối với thực phẩm nấu chín, chế biến và bảo quản sẵn đang tăng lên nhanh chóng. Đây là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tôm ăn liền đã qua chế biến và bộ sản phẩm nấu ăn tiện lợi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu cần được định hình lại, nắm bắt xu hướng mới, không quá lệ thuộc vào những thị trường truyền thống để phải chịu những áp lực cạnh tranh dữ dội và các quy định, rào cản khắt khe. 

Thực tế có thể thấy, tôm Việt Nam tiếp tục phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung. Hiện nay, thị trường tôm toàn cầu đã và đang ở tình trạng dư cung và chu kỳ giảm giá có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024. Vì vậy, các doanh nghiệp đang mong đợi từ Chính phủ và các Bộ, ngành, sớm có những giải pháp bình ổn các chi phí đầu vào cho sản xuất như giá thức ăn nuôi tôm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống; hỗ trợ tích cực các vấn đề liên quan đến thị trường như vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ, tháo gỡ vấn đề hạn ngạch thị trường Hàn Quốc… 

 

>> Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, nhờ vào sự đầu tư công nghệ hiện đại, nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế so với các quốc gia khác. Chính vì vậy, để giữ được vị thế xuất khẩu và ứng phó với chênh lệch giá thành tôm nguyên liệu, ngành tôm Việt phát huy thế mạnh là chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến sâu để duy trì thị phần. 

Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn
Tags:
Ý kiến của bạn