Loại tôm này có đặc điểm hai càng có màu đỏ, thân màu đất. Một số đầu mối online bán tôm này còn đăng kèm hình ảnh tôm khi chế biến chín có màu đỏ au cực kỳ bắt mắt. Giá bán lẻ loại tôm này dao động từ 350.000-400.000 đồng/kg. Trước đó, chia sẻ về loại tôm hùm đất này, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, đại diện đơn vị duy nhất được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu, cho biết, nguyên nhân loại này bị cấm tại Việt Nam là chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt. Sau khi nghiên cứu, phía viện đã đưa ra khuyến cáo không phát triển loại tôm này ở nước ta từ nhiều năm nay.
Tôm hùm đất đang được rao bán khá nhiều trên mạng xã hội trong thời gian qua. |
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ tháng 1 đến ngày 15-5-2019, DN Việt Nam đã nhập hơn 23 tấn tôm hùm đất còn vỏ, dạng đông lạnh, tăng đột biến so với cả năm 2018 với trị giá khai báo hải quan hơn 82.800 USD. Cảng Cát Lái (TP HCM) là đầu mối nhập khẩu chủ yếu lượng tôm hùm đất hấp, đông lạnh về Việt Nam. Theo đó, mỗi kg tôm hùm đất loại đông lạnh nhập về Việt Nam có giá gần 90.000 đồng, rẻ hơn 4-6 lần so với giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Thậm chí, một đơn vị từng nhập khẩu tôm hùm đất cho hay, thực tế giá nhập loại này vào Việt Nam còn rẻ hơn nhiều, có thời điểm chỉ 40.000-70.000 đồng một kg. Với những đơn vị nhập lậu, họ dễ dàng kiếm lời nhiều hơn khi không phải chịu thuế nhập khẩu.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm 2018, cả nước cũng nhập hơn 10 tấn tôm hùm đất loại đông lạnh, giá trị khai báo hải quan là hơn 10.000 USD. Cơ quan này khẳng định, vẫn chưa ghi nhận việc nhập khẩu chính ngạch tôm hùm đất còn sống vào Việt Nam từ năm 2018 đến nay. Do đó, toàn bộ số lượng tôm hùm sống đang bán tràn lan tại Việt Nam là hàng nhập lậu. Trước đó, khảo sát trên địa bàn TP HCM và Hà Nội cho thấy, tôm hùm đất được nhập khẩu dưới dạng sống được bày bán tràn lan tại các cửa hàng và điểm kinh doanh trên mạng.
Mới đây, lực lượng hải quan và biên phòng Lào Cai đã bắt giữ 7 vụ, thu 945 kg tôm hùm đất tại cửa khẩu tỉnh này. Số tang vật bị tiêu hủy ngay sau đó. Cũng vì nhập lậu tràn lan không rõ nguồn gốc nên vừa qua Bộ NN&PTNT, Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan cũng đã lệnh cho các cục, chi cục quản lý liên quan tăng cường kiểm soát, cắm chốt ở các cửa khẩu, lối mòn, lối mở khu vực biên giới để ngăn chặn tôm hùm đất nhập lậu vào Việt Nam.
Tôm hùm đất là nhóm sinh vật ngoại lai, phá hoại mùa màng, thường đào hang, làm hỏng đê điều. Vì là giống ăn tạp, nên tôm hùm đất có khả năng thích nghi tốt với môi trường, dẫn tới có thể phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng. Từ năm 2011, loài tôm này được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, cấm phát triển.
Thực tế, vào năm 2016, một DN tại Đồng Tháp bị cơ quan tỉnh này nhắc nhở vì lén nuôi tôm hùm đất. Theo đó, toàn bộ số tôm hùm đỏ của DN nuôi đã bị tiêu hủy, đồng thời phải tiến hành kết hợp phun thuốc trừ sâu (Decide + Gold 550EC) trực tiếp xuống ao nhằm tiêu hủy triệt để. Khi ấy, ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã thừa nhận rằng đó là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng từng cho rằng loài tôm này vừa phá hại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật kể cả người. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến... Theo quy định, loại tôm này muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải xin giấy phép của Bộ NN&PTNT.
Liên quan tới việc phản ánh tôm hùm đất được bày bán với số lượng lớn, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Tài chính - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh việc tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu từ năm 2013 nhưng vẫn được bày bán, kinh doanh trên thị trường nội địa; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia kết quả.
Theo: Báo Pháp Luật Và Xã Hội