Khởi sắc xuất khẩu thủy sản 4 tháng năm 2024

Thứ hai, 20/05/2024 - 08:30 AM      148

(TSVN) – Theo Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục ghi điểm khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái cũng như giá trị xuất khẩu tới các thị trường đều tăng. Trong đó, nhóm hàng thủy sản mang về 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

 

 

Các mặt hàng chủ lực

Điểm sáng tôm

Với kim ngạch đạt 285 triệu USD, không có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất khẩu tôm trong tháng 4/2024 vẫn đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngành tôm mang về doanh thu 971 triệu USD, cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Theo nhận định của các doanh nghiệp, xuất khẩu tôm sang các thị trường có dấu hiệu phục hồi do lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu đã giảm nên nhu cầu nhập khẩu đã bắt đầu trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của người tiêu dùng vẫn chưa thể hiện rõ khả năng hồi phục.

Giá trung bình xuất khẩu tôm sang các thị trường vẫn ở mức thấp so với năm 2022 và 2023. Ngành tôm Việt Nam đang trong giai đoạn “phấp phỏng” trước những thông tin liên quan đến thuế chống trợ cấp. Hiện, Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, hy vọng đạt kết quả tích cực sẽ giúp cho rào cản thuế chống trợ cấp được tháo gỡ, giải tỏa gánh nặng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.

Lạc quan với cá tra

Tháng 4/2024, xuất khẩu cá tra tăng 13% so cùng kỳ, đạt 168 triệu USD cũng là tín hiệu tích cực đáng quan tâm, sau khi sụt giảm liên tục trong tháng 2 và 3. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra đạt 579 triệu USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu khả quan hơn tại thị trường Mỹ, đặc biệt là sau khi các doanh nghiệp cá tra tham gia Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ hồi tháng 3 vừa qua, tiếp sau đó là Triển lãm Thủy sản toàn cầu tại Tây Ban Nha cuối tháng 4.

Ngoài các mặt hàng chủ lực là cá tra fillet đông lạnh, các doanh nghiệp có khuynh hướng tăng cường giới thiệu các sản phẩm cá tra chế biến sâu, hàng giá trị gia tăng và thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nhập khẩu cũng như khách tham quan. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra đạt 579 triệu USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá ngừ tăng trưởng ổn định

So với các ngành khác, cá ngừ có tăng trưởng ổn định hơn trong cả 4 tháng vừa qua (trừ tháng 2 giảm 11% do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). Trong tháng 4, giá trị kim ngạch mặt hàng này tăng 28% đạt trên 86 triệu USD đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên 301 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp cá ngừ, nhập khẩu của các thị trường đã tăng trở lại do tồn kho giảm chứ không phải do thị trường tốt hơn và giá xuất khẩu tốt hơn.

Thiếu nguồn cung hải sản

Trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 14% trong tháng 4 thì xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ lại tăng 14%. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, 2 ngành hàng này mang về doanh số lần lượt là 182 triệu USD, giảm 4% và 43 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành chế biến xuất khẩu cá ngừ, mực bạch tuộc và cá biển khác đều có chung nút thắt là thiếu nguyên liệu, vì sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn. Ví dụ, liên quan đến nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu, quy định tại Nghị định 37/2024 vừa ban hành tháng 4/2024 yêu cầu thông báo, khai báo hồ sơ trước khi cập cảng 72 giờ đối với tàu nước ngoài và 48 giờ đối với tàu container là không khả thi. Nghị định 37 cũng quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu. Quy định mới với khái niệm không rõ ràng về “trộn lẫn nguyên liệu” gây hoang mang cho doanh nghiệp và không hợp lý với thực tế sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp hải sản.

Kỳ vọng sự tăng trưởng

Nhận định chung về tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng ngành nông nghiệp đã có tăng trưởng rất đáng khích lệ, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thặng dư xuất khẩu vượt trội. Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Phi…; phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, hiện Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP và EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Còn với lĩnh vực thủy sản, xét về thị trường, trong top 5 nước nhập khẩu lớn nhất, chỉ có xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc tăng nhẹ trong tháng 4, trong khi xuất khẩu sang EU và Mỹ chỉ ở mức tương đương hoặc giảm nhẹ, đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trên 22%. VASEP đánh giá, nhìn chung, các thị trường vẫn đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tồn kho nên nhập khẩu vẫn có tính thận trọng. Điển hình thị trường Trung Quốc liên tục sụt giảm từ tháng 2, sau khi tăng mạnh vào tháng 1 để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Thị trường Trung Quốc có nhiều nguồn cung cấp, giá cạnh tranh nên các đối tác Trung Quốc nhiều lựa chọn và tìm cách mua vào với giá thấp. VASEP kỳ vọng, vấn đề tồn kho và dư cung sẽ giảm dần, có chiều hướng thuận lợi hơn cho các nhà xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm, khi đó xuất khẩu có thể hồi phục trở lại nếu nút thắt về nguyên liệu hải sản và tôm, cá tra được cởi mở.

Dẫn nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
XUẤT KHẨU TÔM TĂNG VỌT
Thứ bảy, 02/03/2024 - 08:30 AM
234
Tôm chế biến được ưa chuộng ở Australia
Thứ bảy, 06/01/2024 - 09:30 AM
253
Xuất khẩu tôm: Cơ hội sẽ trở lại
Thứ tư, 06/09/2023 - 04:16 PM
344
Tin xem nhiều